Trở về

Tác giả: Ngân Hà

Thứ bảy, 15-07-2023

Bài học chuyển đổi số thành công của Tata Steel (Phần 1)

Với tầm nhìn trở thành Tập đoàn sản xuất công nghiệp chất lượng dẫn đầu, trong đó Thép là lĩnh vực cốt lõi, nằm trong Top 30 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất trên thế giới, Chuyển đổi số là một trong những bước đi không thể thiếu của Tập đoàn Hòa Phát. Nhờ việc tích hợp công nghệ số vào quá trình làm việc, sản xuất, Tập đoàn có thể tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh và tối ưu mô hình kinh doanh để ngày càng hiệu quả. 

Trong bài viết này, Ban Công nghệ & Chuyển đổi số (CN&CĐS) sẽ giới thiệu & rút ra bài học về cách thức Tata Steel - Doanh nghiệp thép đứng thứ 10 trên thế giới đạt được những thành tựu lớn nhờ Chuyển đổi số, tập trung vào khía cạnh Con người. Trong số tiếp theo, Ban CN&CĐS sẽ giới thiệu 2 khía cạnh khác liên quan đến Quy trình & Công Nghệ. 

Tata Steel – Doanh nghiệp Thép dẫn đầu về chuyển đổi số trên thế giới 

Tata Steel là doanh nghiệp thép lớn nhất Ấn Độ với sản lượng thép đạt 30.18 tấn năm 2022 và được biết đến là một trong những nhà sản xuất đi đầu trong việc áp dụng những đột phá công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tata Steel đã giành hàng loạt các giải thưởng uy tín đặc biệt là danh hiệu “Nhà máy của tương lai” từ Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 dành cho Nhà máy của Tata Steel tại châu Âu. 

Thành công về Chuyển đổi số được ghi nhận trong kết quả kinh doanh và hiệu quả vận hành của Tata Steel bao gồm:

- Ứng dụng hiệu quả hơn 1400 mô hình phân tích mô tả và hơn 250 mô hình học máy, từ đó đạt được các mục tiêu định lượng, bao gồm việc gia tăng 2 tỷ USD EBITDA. 

- Sử dụng mô hình đưa ra các dự đoán về giá và chất lượng nguyên vật liệu trong những thời điểm cụ thể, giúp tối ưu chi phí và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. 

- Sử dụng mô hình quản lý tồn kho hợp nhất giúp theo dõi và đưa ra các điều chỉnh phân bổ hàng tồn kho hiệu quả. 

- Sử dụng mô hình AI (Trí tuệ nhân tạo) trong quy trình sản xuất thép để trộn hóa chất ngay trong lò. 

- Sử dụng mô hình phân tích hình ảnh để phát hiện sớm những khuyết tật trên bề mặt thành phẩm, từ đó có thể kịp thời đưa ra các biện pháp khắc phục. 

- Ưu tiên ứng dụng các mô hình sử dụng năng lượng thấp nhất, cải thiện năng suất và giảm khí thải, giúp cắt giảm chi phí và cung cấp những sản phẩm tốt nhất tới khách hàng.  

Để chuyển đổi số thành công, Tata Steel tập trung vào 3 trụ cột: Con người – Quy trình – Công nghệ.  1. Con người trong công cuộc Chuyển đổi số tại Tata Steel

Tata Steel đã nhận thức rõ được vai trò quan trọng của mỗi cá nhân trong công cuộc Chuyển đổi số, bao gồm các cấp lãnh đạo cũng như CBNV. Vì thế, công ty đã tập trung phát triển nhận thức về công nghệ số cho nhân sự công ty thông qua các chương trình cố vấn và đào tạo. Nhờ có những chương trình này, các cấp lãnh đạo và CBNV của Tata Steel dần nhận thức được tính ưu việt của công nghệ số khi ứng dụng trong công việc. Từ đây, các chương trình đào tạo chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng cần thiết được tiến hành nhằm giúp mỗi nhân sự có thể áp dụng để nâng cao chất lượng và hiệu suất làm việc hằng ngày.  

Các cách thức mà Tata Steel đã thực hiện có thể kể đến:  

- Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của các cán bộ nhân viên, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao tại công ty.  

Các lãnh đạo cấp cao của công ty đã cảm thấy quen thuộc và thoải mái hơn với các công nghệ kỹ thuật số mới thông qua chương trình “Cố vấn ngược”. Đây là cơ hội để nhóm nhân viên trẻ trình bày, thảo luận về công nghệ và các ứng dụng của công nghệ cho các lãnh đạo cấp cao. Nội dung các buổi chia sẻ  xoay quanh khái niệm cơ bản nhất liên quan Kỹ thuật số (Digital) như: tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tính hữu ích của các công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR) hay cách công cụ phân tích dữ liệu (BI) giúp tối ưu công việc & ra quyết định…  

Từ những nhận thức về công nghệ số này, công ty đã xây dựng văn hóa cải tiến không ngừng, giúp nhân sự đưa ra những sáng kiến mới kết hợp với công nghệ số để giải quyết các vấn đề kinh doanh và nâng cao giá trị cho công ty.  

 Chương trình “cố vấn ngược” tại Tata Steel 

- Xây dựng năng lực Chuyển đổi số thông qua 2 chương trình chính

Trong khi những sáng kiến giúp nâng cao nhận thức đang được tiến hành, công ty bắt đầu xây dựng 2 chương trình để nâng cao năng lực: 

- Chương trình “Công nghệ số dành cho mọi người (Digital for All)” cho tất cả nhân viên trong công ty, sử dụng những Video với hình thức đối thoại để giải thích đơn giản về các khái niệm như Công nghệ 4.0, Internet Vạn vật (IoT), cảm ứng,… Digital for All đã được Tata Steel chứng minh là chất xúc tác cho quá trình thay đổi và tạo ra 1 kho các ý tưởng Chuyển đổi số tại công ty. 

- Chương trình MARVEL: Xây dựng năng lực phân tích – Making Analytics Real, Cung cấp giá trị - Valuable, Hiệu quả & Hợp lý – Efficient & Logical, giúp nâng cao năng lực phân tích của nhân sự, từ đó giúp công ty có thể xây dựng Trung tâm Phân tích và Xác định nhu cầu (Analytics and Insights Centre) - nền tảng để xây dựng các mô hình phân tích nâng cao hơn.  

Ngoài ra, Tata Steel đã tổ chức rất nhiều chương trình học tập, nâng cao nhận thức cho Công đoàn và nhân viên lao động, giúp họ bớt lo lắng khi áp dụng những công nghệ mới và xây dựng phương pháp tiếp cận mới trong cho công việc của họ.  

- Thành lập One IT (tháng 1/2018) từ các nhóm phụ trách thúc đẩy quá trình tự động hóa của nhà máy 

Đặc điểm của Tata Steel là đơn vị có nhiều phần mềm, phần cứng lỗi thời vẫn đang được sử dụng trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình Chuyển đổi số và đơn giản quy trình làm việc, công ty đã thành lập nhóm One IT từ các nhóm phụ cách xây dựng kế hoạch tự động hóa. 

One IT có vai trò trang bị đầy đủ an ninh mạng, hệ thống máy tính, hệ thống mạng cho cơ sở hạ tầng tại Tata Steel. Ngoài ra còn phụ trách các hoạt động liên quan đến số hóa, bao gồm việc hợp tác cùng các đối tác công nghệ phục vụ các giai đoạn chuyển đổi số. 

2. Bài học cho Tập đoàn Hòa Phát - Con người là trung tâm của hành trình Chuyển đổi số

Từ kinh nghiệm của Tata Steel, Tập đoàn Hòa Phát có thể:  

- Nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số của các cấp lãnh đạo trong Tập đoàn

Học tập chương trình “Cố vấn ngược” của Tata Steel, Tập đoàn Hòa Phát có thể giúp các cấp lãnh đạo cảm thấy quen thuộc và thoải mái với công nghệ số thông qua những buổi chia sẻ các sáng kiến số hiện tại đang triển khai tại Tập đoàn, những sáng kiến số mới, kiến thức, câu chuyện Chuyển đổi số thành công của các Tập đoàn lớn trên thế giới.  

- Đẩy mạnh tổ chức các chương trình đào tạo giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho CBNV 

Dựa vào 2 chương trình Digital For All và MARVEL của Tata Steel, để kiến thức về công nghệ số được tiếp cận tới hơn 28.500 nhân sự, Tập đoàn Hòa Phát cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về Chuyển đổi số như: đào tạo về Quản lý Dự án Chuyển đổi số hay các kỹ năng thao tác với các công cụ, phần mềm, v.v… 

Tại Tập đoàn, một số chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng đã và đang được triển khai như chương trình đào tạo về Power BI và Văn phòng điện tử E-Office do Ban CN&CĐS tổ chức, hướng dẫn sử dụng Power Point cơ bản do Ban Nhân sự tổ chức,… thu hút nhiều sự quan tâm tham gia của CBNV trong Tập đoàn. Những chương trình đào tạo này cần được đầu tư nhân rộng trong Tập đoàn để phát huy mạnh mẽ tinh thần học hỏi về Chuyển đổi số trong mỗi cá nhân.  

- Hỗ trợ triển khai các Dự án Chuyển đổi số

Tương tự với mô hình của One IT, hiện nay tại Tập đoàn nhiều phòng Ban (Ban PRM, Ban Nhân sự, Ban KTNB) đã kết hợp để cùng với Ban CN&CĐS triển khai các Dự án Chuyển đổi số như Dự án Phần mềm nhân sự, Dự án Văn phòng điện tử E-office, Dự án Quản trị Lean v.v… Việc kết hợp thế mạnh giữa Tập Đoàn, các Đơn vị thành viên & các đối tác triển khai số hóa sẽ nâng cao năng lực các thành viên tham gia, giúp Dự án đạt được mục tiêu Chuyển đổi số Ban Lãnh đạo Tập Đoàn đặt ra. 

Trong quá trình triển khai, Ban Giám Đốc các công ty cần tạo điều kiện và hỗ trợ Ban dự án thực hiện công việc để đảm bảo tiến độ dự án. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát cũng cần được tiến hành song song để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình triển khai Dự án.  

Nền tảng thành công trong công cuộc Chuyển đổi số của Tập đoàn chính là sự thành công trong quá trình chuyển đổi của mỗi cá nhân. Một cá nhân chuyển đổi thành công sẽ giúp cho mỗi đơn vị chuyển đổi thành công và đóng góp cho thành công tổng thể của Tập đoàn. Với mong muốn được hỗ trợ anh/chị qua đánh giá mức độ cần thiết và hữu ích của các Dự án Chuyển đổi số, kính mong các anh/chị dành thời gian để hoàn thiện phiếu khảo sát sau đây: Microsoft Forms. 

(Nguồn tham khảo: Harichandan Arakali (2023) - How digital transformation is aiding Tata Steel’s growth in India – India Forbes; Abhishek Mande-Bhot (2020) - Redefining the Future of Steelmaking – Tata.Com)

 

Trở về

Tin mới nhất

E-learning và hành trình trải nghiệm cuộc thi “Tôi là Hòa Phát – Hòa Phát là tôi”

Người Hòa Phát gây bất ngờ với độ “ngấm” về văn hóa, lịch sử Tập đoàn

Bí kíp chinh phục cuộc thi “Tôi là Hòa Phát – Hòa Phát là tôi”

Tin liên quan

Tổng quan về E-office (Văn phòng Điện tử) (Cập nhật tiến độ ngày 18/03/2023)

Hòa Phát với Chuyển đổi số

Agile – Mô hình quản lý thích nghi với sự thay đổi

Bài học chuyển đổi số thành công của Tata Steel (Phần 1)

Bài học chuyển đổi số thành công của Tata Steel (Phần 2)