Hòa Phát với Chuyển đổi số
Tập đoàn Hòa Phát đã, đang và sẽ từng bước chuyển mình mạnh mẽ để tiếp nối chuỗi thành công 30 năm mà tập thể cán bộ công nhân viên đã dày công gây dựng. Một trong những bước tiếp theo trên chặng đường này là "Chuyển đổi số" - xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể của tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể đưa ra mô hình kinh doanh mới tinh gọn và hiệu quả hơn.
Trong bài viết này, Ban Dự án triển khai Chuyển đổi số sẽ làm rõ về Chuyển đổi số & đưa ra kế hoạch triển khai tại Tập Đoàn trong năm 2023.
1. Những hiểu lầm về Chuyển đổi số
Tại Hòa Phát, không ít người đang nhầm lẫn khái niệm Số hóa (Digitalizing) và Chuyển đổi số (Digital Transformation). Hai khái niệm này khác nhau hoàn toàn. Số hóa là quá trình đưa các thông tin lưu trữ ở dạng vật lý sang kỹ thuật số. Như vậy, Số hóa chỉ là bước đầu tiên của quá trình Chuyển đổi số, nhằm tạo nền tảng cho việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và cải tiến mô hình kinh doanh.
Ngoài ra, mọi người thường nghĩ Chuyển đổi số là nhiệm vụ của đội ngũ Công nghệ thông tin, tuy nhiên thực tế để triển khai Chuyển đổi số thành công, đặc biệt với doanh nghiệp quy mô lớn như Hòa Phát, cần nhiều nguồn lực khác tham gia, đặc biệt có thể kể đến:
- Ban Lãnh đạo Tập đoàn: Đưa ra chiến lược và tầm nhìn cho Chuyển đổi số.
- Ban Giám đốc các Công ty thành viên: Tạo điều kiện cho các bộ phận thực hiện Chuyển đổi số một cách hiệu quả & sáng tạo.
- Ban Nhân sự: Phát triển năng lực kỹ thuật số cho nhân viên, tạo môi trường làm việc thân thiện với Công nghệ, khuyến khích sự học hỏi và sáng tạo trong Chuyển đổi số.
2. Chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy
Chuyển đổi số không chỉ là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số mà còn là việc thay đổi tư duy và văn hóa của doanh nghiệp. Khi thiếu sự thay đổi cơ bản này, việc áp dụng các phương pháp mới, các mô hình mới sẽ trở nên miễn cưỡng, hoạt động vận hành trở nên phức tạp và không phát huy được hiệu quả của Chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có tư duy khách hàng là trọng tâm, tư duy liên tục cải tiến và tư duy hợp tác mở.
- Tư duy khách hàng là trọng tâm: Cách thức kinh doanh tập trung vào tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua sản phẩm & dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Các công ty cần hiểu rõ vấn đề, mong muốn và hành vi của khách hàng, xem khách hàng là trung tâm của mọi quyết định kinh doanh & chiến lược Marketing và sử dụng Công nghệ kỹ thuật số để thu thập dữ liệu, phân tích hành vi và giao tiếp với Khách hàng một cách hiệu quả.
- Tư duy cải tiến liên tục: Tìm kiếm và thực hiện những cải tiến nhỏ nhưng thường xuyên trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay quản lý doanh nghiệp. Các công ty cần theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả của các hoạt động, trao quyền cho nhân viên và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo thông qua việc thử nghiệm và phân tích phản hồi.
- Tư duy hợp tác mở: Khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các cán bộ nhân viên trong Doanh nghiệp. Các công ty cần tạo ra một môi trường làm việc thân thiện và tin cậy, khuyến khích nhân viên tham gia vào các Dự án liên phòng ban và sử dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số để hỗ trợ cho quá trình hợp tác và giao tiếp, ví dụ như Planner hay Microsoft Teams.
3. Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 tại Tập đoàn Hòa Phát
Trong năm 2023, Tập Đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục triển khai các Dự án Số hóa - bước đầu tiên của Chuyển đổi số, cụ thể như sau:
- Hoàn thiện Giai đoạn 01 của hệ thống Văn phòng Điện tử toàn Tập đoàn: Quản lý Văn bản và Số hóa Quy trình.
- Xây dựng Hệ thống phần mềm Quản trị Nhân sự tập trung xuyên suốt cấp Tập đoàn.
- Nâng cấp phần mềm Quản lý Mã Vật tư
- Ứng dụng một số phương pháp/ công cụ mới, giúp tăng hiệu quả, hiệu suất công việc theo Chuyên đề (Báo cáo Power BI, Quản trị Lean, v.v…)
Quyết định triển khai Chuyển đổi số thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ban Lãnh đạo Tập đoàn, nhằm cập nhật công nghệ, xu thế hiện đại trên thế giới trong quản trị doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Để triển khai Chuyển đổi số có hiệu quả và đi vào thực chất, cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn cần nhận biết đúng đắn về các kế hoạch, chiến lược phát triển mới trong thời đại số, ứng dụng vào công việc thực tế hàng ngày, giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho Tập đoàn.