Tác giả: Thuý Hằng

Thứ năm, 31-08-2023 | 3:00pm

Khi các con là điểm tựa

Đời người như một thước phim, mà khi tua lại, ta sẽ bắt gặp vô số khoảnh khắc đáng nhớ. Với gia đình 4 mẹ con chị Trần Thị Mỹ Linh (35 tuổi, Sơn Tình, Cẩm Khê, Phú Thọ), cách mà họ lục tìm kỉ niệm là kết nối chiếc USB 8GB với tivi để xem những thước phim còn sót lại về người chồng, người cha đã mất hơn 7 năm trước vì tai nạn lao động.

“Nhưng đến giờ, ti vi đã hỏng, USB thì vỡ, các cháu không xem được nữa. Cách lưu giữ ký ức của bọn trẻ giờ đây là ghép lại những hồi ức trong trí nhớ. Chỉ mong có tiền để sửa lại tivi, USB để các cháu phần nào bớt trống trải”, chị Linh bắt đầu câu chuyện của mình trong nước mắt.

Đi qua miền ký ức

Một ngày cuối tháng tám, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nép mình trong con ngõ, bao quanh là những quả đồi trồng khoai, trồng sắn. Đoàn chúng tôi bước vào căn nhà cấp 4 chưa được sơn, nó vẫn đang là một khối xi măng xám đã nhiều vết loang. Đó là căn nhà mà đến nay, mẹ con chị Linh vẫn chưa trả hết nợ.

Căn nhà chừng hơn 50m2 là tài sản của 2 vợ chồng tích góp và vay ông bà nội ngoại 2 bên. Đó vừa là nhà, vừa là kho chứa nông cụ, phía trên là chạn rơm làm thức ăn cho bò. Tài sản của 4 mẹ con chị Linh chẳng có gì đáng giá.

Chồng mất sớm do tai nạn lao động, dần dà, chị Linh vừa là cha, là mẹ và là người bầu bạn với 3 con. Ở tuổi lên tư, lên bảy, lên hai những đứa trẻ ấy vẫn chưa kịp hiểu và cảm nhận nỗi đau một cách rõ ràng. Là 3 trong 5 bạn nhỏ mồ côi trên địa bàn xã nhận được sự hỗ trợ chăm sóc hàng tháng từ Tập đoàn Hòa Phát trong vòng 5 năm, khi ấy, chị cả Ngô Thị Thu Hiền chỉ mới 7 tuổi, Đức Chung 4 tuổi và em út Đức Thành vừa tròn 2 tuổi.

Khi chúng tôi đến thăm nhà, Chung chỉ đứng ấp ló sau bức tường để ngóng chuyện mẹ kể

Khác hẳn những đứa trẻ của các gia đình khác, thấy chúng tôi đến, các cháu trốn biệt. Đứa thì trốn trong phòng, nép sau cánh cửa rồi phóng tầm mắt ra xa để dò la, hóng hớt, đứa thì chạy tót xuống dưới bếp, dưới kho. Có vẻ như chúng sợ và ngại người lạ. Chị Linh bảo, các cháu chỉ loanh quanh ở nhà, rồi lên đồi thả bò, chăn bò nên sợ tiếp xúc với người lạ lắm, cứ nép mình vậy thôi!

Kỉ niệm về bố với Hiền dường như là rất ít. Đó là những lần bố từ thành phố về ăn cơm nhà, là khoảnh khắc được chơi đùa cùng bố bên một góc sân. Với Đức Chung, em chỉ biết rằng bố đã đi xa và ở xa lắm, ở đâu đó trong những vì sao lấp lánh trên trời.

Còn Đức Thành, 2 tuổi, em còn quá bé để hình thành những kí ức về bố. Cứ mỗi lần Tết đến, nhìn các gia đình khác có bố, có mẹ quây quần bên nhau em lại nằng nặc đòi có bố. Thi thoảng, cháu Thành lại hỏi “Sao bố mãi không về?”, đêm đêm khóc mớ, ngọng nghịu gọi tên bố dù hình ảnh của bố chỉ xuất hiện trong những tấm ảnh và thước phim đã cũ mà em đã từng xem.

4 mẹ con là điểm tựa của nhau!

Lâu dần, cuộc sống của 4 mẹ con chị Linh dần ổn định và đi vào quỹ đạo mới. Một hành trình mà ở đó con người ta phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết và dựa vào nhau làm động lực để tiếp tục, để cố gắng thay đổi thực tại, hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp.

Ba chị em Ngô Thị Thu Hiền (áo đen, đứng giữa), Ngô Tiến Thành( bên phải ngoài cùng) và Ngô Đức Chung (bên trái ngoài cùng) chụp ảnh cùng mẹ. Từ khi bố mất, 4 mẹ con dựa vào nhau để vượt qua và cố gắng.

Từ một người run rẩy, nhút nhát, không dám đi xe máy, chị Linh đã tập đi xe để chủ động trong mọi việc như đi chợ, đi làm xa. Thời gian đầu, chị Linh đi hái chè thuê quanh xóm theo mùa vụ, đi làm cỏ thuê cho hàng xóm trồng sắn nuôi tằm. Hết mùa chè, chị lại đi làm thợ phụ xây nhà, xây công trình và làm công nhân may nhà máy.

Chị cho biết, từ khi chồng mất đến nay, ai thuê gì tôi cũng làm, miễn là trong khả năng, được đồng nào hay đồng đấy. Đến khi tôi phẫu thuật hạt xơ dây thanh, sức khỏe yếu dần nên nghỉ hẳn các công việc trên.

Hiện, chị Linh đang bán hàng thuê cho một cửa hàng tạp hóa gần ủy ban xã. Công việc của chị bắt đầu từ 7h sáng đến 7h tối. Trung bình mỗi tháng, chị Linh chỉ nhận được từ 3,5 đến tối đa là 4,5 triệu đồng. Hôm nào chị nghỉ sẽ bị trừ công. Và khoản tiền ấy chính là nguồn thu nhập chính của 4 mẹ con.

Những đứa trẻ hiểu chuyện

Ba chị em Hiền, Chung, Thành đều là những đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện. Mẹ đi làm từ sáng đến tối, mấy chị em tự chăm sóc, bảo ban nhau học hành, phụ giúp mẹ chăn bò, chăn trâu và dọn dẹp nhà cửa.

Nhà chị Linh có một con bò do Hội chữ Thập đỏ trao tặng. Ngày ngày, sau giờ học hay nghỉ hè, bọn trẻ đều tranh thủ đi thả bò, chăn bò, cắt cỏ đỡ đần mẹ. Chung và Thành thường thả bò ở trên rừng cách nhà chừng một cây số. Còn Hiền thì ở nhà dọn dẹp, cơm nước chờ mẹ và các em về ăn cơm. Quanh quẩn, mỗi ngày cuộc sống của gia đình của 4 mẹ con chỉ có vậy. Các em ấy chẳng đòi hỏi gì ngoài việc ước rằng bố còn tồn tại.

Hiền, Chung, Thành đều có những ước mơ. Chị cả Thu Hiền đã nghỉ học, lựa chọn đi học nghề phù hợp với khả năng. Chung ước em sẽ trở thành công an để bảo vệ an ninh trật tự quanh làng, quanh xóm và bảo vệ mẹ. Thành thì mong mình là phi công chuyên nghiệp, tài năng.

Bọn trẻ nói và gửi gắm vào đó những mong ước chính đáng.

Ngày trước, tôi tự hỏi sao có những người làm việc với thu nhập thấp như thế, sống những cuộc đời cam chịu như thế? Vì khi ấy tôi chưa biết thế nào là cuộc đời có quá ít lựa chọn.

Ở đấy, có căn nhà cấp 4 nằm hun hút sau những quả đồi, trong khói đốt đồng um um có 4 mẹ con chị Linh vẫn ngày ngày cố gắng, cùng dựa vào nhau để đi qua những vòng quay trong cuộc sống. Trong những gian khó, chị Linh vẫn tự nhủ mình còn may mắn. May là những đứa trẻ thiệt thòi này có ý chí rất mạnh, thông minh, lanh lợi và có tính tự lập từ bé.

Trò chuyện một lúc, đoàn chúng tôi rời đi. Bốn mẹ con chị Linh tiễn chúng tôi đến tận cổng. Xe đã lăn bánh chừng 100m nhưng khi chúng tôi ngoảnh lại, vẫn thấy họ nhìn theo như muốn gửi gắm hi vọng nào đó.

Tin mới nhất

Hòa Phát ra mắt loạt sản phẩm điện máy gia dụng mới, ưu đãi đặc quyền cho nội bộ

Thương mại Hòa Phát tròn 20 năm phát triển: Khẳng định vị thế doanh nghiệp chăn nuôi bò Úc hàng đầu

Hòa Phát trao tặng hàng chục nghìn suất quà Trung thu cho CBNV

Tin liên quan