Tác giả: DNHN

Thứ tư, 26-10-2022 | 2:51pm

Tập đoàn Hòa Phát đứng đầu Top 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2022

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đứng đầu danh sách Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022, theo Vietnam Report.

Vietnam Report vừa phối hợp Báo VietNamNet tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam và Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống - Bán lẻ - Bao bì năm 2022.

Lễ công bố vinh danh những đại diện doanh nghiệp không chỉ thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông, mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trên thị trường, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và phồn vinh của nền kinh tế nước nhà.

Theo đó, Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 (theo thứ tự xếp hạng) bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân đội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Đứng đầu Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Ảnh minh họaLễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam

Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; Ngân hàng TMCP Á Châu; Công ty CP Tập đoàn Masan; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.

Vietnam Report cho rằng, là quốc gia châu Á duy nhất được Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng GDP đáng kể trong năm 2022, Việt Nam đang là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế u ám toàn cầu, vững vàng kiên định và phục hồi mạnh mẽ kể từ đợt suy giảm do làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 vào thời điểm này năm ngoái.

Sự phục hồi này đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu truyền thống; sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là đối với dịch vụ; sự hồi sinh của ngành du lịch…

Dù còn nhiều thách thức, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định đến từ việc kiểm soát lạm phát tương đối ổn định, các gói hỗ trợ chính sách phù hợp.

Các doanh nghiệp đã có những chiến lược thích ứng linh hoạt, kịp thời, góp phần giải tỏa áp lực tăng giá đầu vào, đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, mở ra con đường tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong tương lai.

Theo thống kê mới đây của Vietnam Report, hơn 75% số doanh nghiệp tham gia khảo sát có doanh thu bằng hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát.

Theo Doanh nghiệp hội nhập

Tin mới nhất

Phát huy lợi thế logistic tại cảng nước sâu Dung Quất

Thép Hòa Phát Dung Quất tri ân các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Khai mạc Hội thi Kỹ năng nghề lần thứ nhất Nhà máy Cơ điện 2

Tin liên quan