Tác giả: Thúy Hằng
Thứ sáu, 08-11-2024 | 1:40am
Lào Cai và những câu chuyện chưa kể
Đã gần hai tuần trôi qua kể từ ngày mà đoàn thiện nguyện chúng tôi vượt hơn 400 km đường núi, mang theo 2.000 phần quà – đại diện cho tấm lòng của 32.000 CBCNV toàn Tập đoàn để chia sẻ cùng bà con tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng của bão Yagi.
Từ những mất mát chưa nguôi…
Đến nơi, bà con người dân 3 huyện Lào Cai chia sẻ với chúng tôi rất nhiều điều… Có lẽ, mỗi người dân ở đây đều có một câu chuyện để kể. Họ kể về những tổn thất mà họ phải gánh chịu và cả những hi vọng mà họ cố giữ trong lòng.
Bà con xã Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai chia sẻ với chúng tôi rất nhiều câu hy vọng tái thiết cuộc sống sau bão YaGi
Đồng hành cùng chúng tôi đến các xã chịu ảnh hưởng của huyện, anh Trần Trung Đức, cán bộ huyện đoàn Bát Xát chia sẻ: “Huyện Bát Xát với 21 xã thị trấn đang gấp rút khôi phục đường xá để vận chuyển vật liệu xây dựng đến các bản. Những chuyên gia địa chất được mời về khảo sát, tìm vị trí tái định cư an toàn cho các hộ dân. Hai cụm Trịnh Tường - Y Tý và Mường Hum ghi nhận hàng trăm ngôi nhà bị sạt lở hoàn toàn”.
Anh Trần Trung Đức, cán bộ huyện đoàn Bát Xát dẫn đoàn chúng tôi đi 5 xã của huyện Bát Xát chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão
Những hồ cá tầm, cá hồi - nguồn sống chính của nhiều hộ dân tại Mường Hum bị cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. "Từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy đợt nào khủng khiếp như thế này", anh Tráng A Hử ở thôn Ngải Thầu, xã Dền Thành, huyện Bát Xát lắc đầu nói.
"Ở đây chúng tôi quen với gian khó rồi", anh Tráng A Hử nói tiếp câu chuyện. "Quan trọng là giờ đã biết cách ứng phó. Mưa to phải kiểm tra ngay các điểm có nguy cơ sạt lở. Nước dâng phải di tản dân lên cao. Chỉ tiếc là lần này thiệt hại quá nặng, nhiều nhà chưa biết bắt đầu lại từ đâu."
"Nước lũ đó làm gia đình anh cũng hơi lo, cũng là sợ. Xong rồi gia đình đi hết cả, mất đất đai, không có để làm ăn. Với cũng không biết là nuôi các con kiểu gì..." - Giọng anh Xòng A Cúc ở thôn Nà Lạc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát nghẹn lại. Từ năm 2003 khi được nhà nước chuyển từ San Hồ xuống đây định cư, chưa bao giờ anh chứng kiến một trận lũ kinh hoàng đến vậy.
Từ năm 2003 khi được nhà nước chuyển từ San Hồ xuống đây định cư, anh Xòng A Cúc ở thôn Nà Lạc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chưa bao giờ anh chứng kiến một trận lũ kinh hoàng đến vậy
Đến những ước vọng tái thiết
Cách đó không xa, chị Lý Thị Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, nhìn đống đổ nát từng là ngôi nhà của mình mà nghẹn lời: "Mình chạy kịp, nhưng nhà cửa, tài sản bao năm làm lụng đổ sông đổ bể hết. Lúc ấy chỉ biết khóc, nhìn tất cả trôi đi trong vô vọng." Giờ cả gia đình tạm trú ở nhà văn hóa thôn, cùng với một hộ khác cũng bị sạt lở nhà cửa”.
Chị Lý Thị Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát hy vọng sớm có một căn nhà để gia đình an cư, ổn định lại cuộc sống sau bão
Với chị Hồ, chị bảo rằng bảo từ sau bão lũ, giấc ngủ chỉ là những khoảnh khắc chập chờn ở nhà văn hóa xã. Sau khi căn nhà sập hoàn toàn, đã không đợi ai đến giúp, chị tự tay cùng chồng dựng lại một căn lều tạm để che mưa cho hai đứa con nhỏ. “Chỉ cần có chỗ ở, thì việc khác từ từ tính sau. Bọn trẻ phải được tiếp tục đến trường, đó là điều quan trọng nhất.”
Không chỉ ở Bát Xát, ở xã Tân Tiến huyện Bảo Yên, ngôi nhà của anh Trương Văn Minh, nằm bên dòng suối nhỏ cũng không còn nguyên vẹn. Một phần căn nhà đã bị cuốn trôi xuống triền đồi, phần còn lại chỉ đủ để cả nhà tạm bợ qua ngày. Anh Minh, người đàn ông gầy gò với đôi mắt trầm ngâm, đứng đợi đoàn từ sáng sớm. Trên khuôn mặt anh có nét khắc khổ nhưng lại rất điềm đạm, không nản lòng trước mất mát. Khi cầm trên tay phần quà nhỏ từ đoàn, anh chỉ mỉm cười và nói nhỏ: “Chúng tôi còn người là còn nhà”.
Anh kể rằng, đêm lũ về, nghe sạt lở từ trên núi đổ xuống, chỉ biết vội vàng ôm con chạy ra khỏi nhà, không kịp nghĩ gì hơn. Sau đêm đó, mảnh vườn và một góc nhà của anh Minh đã biến mất, cùng với nó là cả mùa màng đã gieo cấy cho năm nay. Bây giờ, nhìn đứa con nhỏ chạy chơi trước hiên nhà, anh bảo, "Còn đất là còn tất cả, nhà cửa chỉ là cái nền, cái mái che. Chúng tôi sẽ dựng lại thôi." Trong ánh mắt người đàn ông là cả một quyết tâm, thứ mà cơn bão chưa thể cuốn đi.
Chia sẻ với thành viên trong đoàn, chị Hoàng Thị Huấn ở Bản Cuông, Bảo Yên luôn tâm niệm rằng: “Còn người là còn của thôi", chị nói dõng dạc dù đôi mắt vẫn ngấn lệ. Mười hai năm sống ở đây, chưa từng thấy cảnh đất vùi cao 30cm sau bếp, điện thoại mất sóng cả tuần, người thân phải lặn lội vượt đường sạt lở để thăm nom vì lo lắng. Ba sào quế - nguồn sống chính của gia đình giờ chỉ còn là bãi cát trắng.
Cùng ở Bản Cuông, chúng tôi trò chuyện với bà Cộ Thị Hoa, người từng mất con trai trong tai nạn sông năm 2017. Sau biến cố, vợ của con trai đi bước nữa, để lại ba đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi cho đôi vợ chồng già. Giờ đây, vợ chồng bà gồng mình nuôi ba đứa cháu mồ côi. Cô con gái thì đang học lớp 12 tại trường nội trú huyện Bảo Yên.
“Cơn bão vừa rồi cuốn trôi ngôi nhà ba gian, ruộng đồng phủ kín cát trắng. Chưa có giường, cả nhà nằm đất", bà Hoa nói, nhưng rồi lại cười khi kể về khoản tiền hỗ trợ sẽ dùng để "mua chiếu, mua đệm cho các cháu vượt qua cái rét của mùa đông năm nay”.
Là một trong 40 thành viên trong đoàn thiện nguyện Hòa Phát, anh Hoàng Ngọc Trung, Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát xúc động kể lại: “Đường lên xã Bản Cái và Nậm Lúc có nhiều đoạn sạt lở, trơn trượt, đầy ổ gà. Xe rung lắc liên tục khi vượt qua những công trường đang thi công cải tạo. "Mình leo một chút thấy thở không ra hơi, mà các cháu và cô giáo phải leo lên, leo xuống hàng ngày. Điều kiện khó khăn nhưng cô trò đều khá lạc quan, các cháu nhỏ bạn nào cũng ngây thơ hồn nhiên”.
Các em bé vùng cao thường được mẹ địu sau lưng, theo mẹ trên mọi bước đường và giờ là cùng mẹ đến UBND xã để gặp các cô chú nhà Hòa Phát Hy vọng rằng, thời gian tới gia đình của các bé sẽ sớm ổn định lại cuộc sống sau bão
Khi những chuyến xe rời bản, nắng chiều đã ngả bóng trên những sườn núi. Bão YaGi đi qua có thể để lại nhiều tàn tích, nhưng không thể làm tắt đi niềm tin và sự kiên trì của con người.
Những cánh đồng rồi sẽ lại phủ xanh, những tiếng cười nói sẽ lại vang lên trong các ngôi nhà và sân trường. Người dân Lào Cai sẽ tiếp tục dựng lại cuộc sống từ mảnh đất thân thuộc, mạnh mẽ hơn qua những mùa bão lũ.