Tác giả: HPG News
Thứ bảy, 06-08-2022 | 1:00pm
Chàng trai trẻ làm giám sát KCS: “KCS là thói quen, những gì thành thói quen thì sẽ quan trọng”
Ở tuổi 29, anh Trần Văn Mạnh (Bắc Ninh) đang là giám sát phòng KCS của Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi (TACN) Hòa Phát. Gắn bó với Hòa Phát và phòng KCS được 6 năm, anh cho hay, làm ở Hòa Phát “được” rất nhiều thứ như được tôi luyện, được chứng tỏ năng lực của bản thân và được cấp trên ghi nhận những đóng góp. “Với tôi, KCS là thói quen, những gì thành thói quen thì sẽ quan trọng”, anh Mạnh chia sẻ.
Kiểm soát đầu vào, đảm bảo đầu ra
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thực phẩm, khi mới ra trường, anh Mạnh đã gia nhập vào TACN Hòa Phát Hưng Yên ngay từ những ngày đầu Công ty thành lập. Lúc đầu, anh làm nhân viên phòng KCS. Sau 3 năm cống hiến tận tình, anh được BGĐ tin tưởng và giao đảm nhận vị trí giám sát phòng KCS đến nay.
Anh kể, thời điểm mới vào Hòa Phát, dây chuyền sản xuất vẫn đang xây dựng, Tập đoàn thuê các đơn vị trong ngành gia công sản phẩm, vì vậy anh em KCS đều phải độc lập tác chiến tại mỗi đơn vị gia công, tuy khó khăn nhưng mỗi thành viên đều có những trải nghiệm đáng nhớ.
Phòng KCS hiện đang chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, yêu cầu đạt chất lượng theo quy định của Công ty.
Nói KCS nghe khá lạ lẫm và khó hiểu nhưng qua lời chia sẻ của anh Mạnh, KCS gần gũi và đóng vai trò rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất TACN. Công việc của phòng KCS lần lượt là đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào – bán thành phẩm - sản phẩm đầu ra, kiểm soát sản phẩm lưu kho, kiểm tra sản phẩm khiếu nại, tìm nguyên nhân và xử lý vấn đề góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Anh Mạnh đang kiểm tra độ cứng của cám tại phòng KCS
Theo anh, quản lý chất lượng là khái niệm rất rộng khi mà cả hệ thống bao gồm từ công thức để sản xuất ra sản phẩm (chuyên gia dinh dưỡng) đến hệ thống kiểm soát chất lượng, trong đó bao gồm nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra và cả quá trình sản phẩm đến tay người chăn nuôi.Và KCS là một mắt xích trong hệ thống.
“Nếu không kiểm soát tốt, chất lượng sản phẩm có vấn đề, thiệt hại đầu tiên là chi phí để làm lại, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của công ty với khách hàng. Vì vậy không riêng lĩnh vực TACN mà các lĩnh vực sản xuất khác đều cần có hệ thống kiểm soát chất lượng như vậy”, anh Mạnh nhận định.
Theo anh Mạnh, 3 yếu tố để đánh giá chất lượng cám là dinh dưỡng, cảm quan và yếu tố an toàn sản phẩm. Cụ thể, dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trong, quyết định hiệu quả chăn nuôi của khách hàng. Cảm quan chính là chiều dài, độ cứng, độ bền, độ bột, màu sắc, tỷ lệ mảnh… Đây là các yếu tố ảnh hưởng đến lượng ăn của vật nuôi. Cuối cùng, yếu tố an toàn của sản phẩm gồm độc tố, kim loại nặng, vi sinh… cũng quyết định đáng kể đến chất lượng thành phẩm.
Kiểm tra mức độ dinh dưỡng của cám
Ngoài ra, để tránh sai sót khi vận hành cần làm tốt 2 yếu tố. Phân tích đầy đủ, tổng thể mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng, đưa ra mục tiêu kiểm soát cho từng mối nguy ở từng công đoạn. Đồng thời, đảm bảo chất lượng con người để kiểm soát những mối nguy trên.
“Công việc chung của phòng là như vậy. Mình có trách nhiệm đảm bảo những công việc đó được vận hành trơn chu, để anh em trong phòng hoàn thành tốt công việc. Mình sẽ can thiệp vào những mảng sau để nâng cao chất lượng công việc của tầng nhân viên”, anh Mạnh nói thêm.
Nếu nhân viên thuận tay phải thì không ép họ viết tay trái
Phòng KCS gồm 7 người, bao gồm cả anh Mạnh, hiện anh quản lý giám sát phòng. Anh Mạnh cho hay, phòng đã xây dựng 1 bộ tiêu chí về nhân viên của KCS. Chẳng hạn, về trình độ chuyên môn phải ứng chuyên ngành đào tạo phù hợp (công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa, chăn nuôi, thú ý…). Kỹ năng yêu giao tiếp, phân tích xử lý tình xuống, ra quyết định, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian, kỹ năng xử lý xung đột, kỹ năng làm việc nhóm, năng lực giải trình, kỹ năng học hỏi trau dồi, kỹ năng quản trị rủi ro…
Về phẩm chất hay thái độ, nhân viên KCS cần trung thực, tập trung vào kết quả, nhạy bén, bền bỉ kiên trì, cẩn thận. KCS yêu cầu chất lượng nhân viên tương đối cao, số lượng nhân viên không lớn nhưng cần chất lượng tốt.
Dưới góc độ giám sát, quản lý của phòng KCS, anh Mạnh lý giải, quản lý con người bản chất là quản trị lòng người, lòng người có thuận thì công việc mới ổn. Mục tiêu cuối cùng là các nhân viên hoàn thành công việc được giao, mục tiêu của phòng được hoàn thành.
Giám sát, rà soát các báo cáo
“Phân tích mối nguy về chất lượng, từ đó xây dựng bản mô tả công việc cho từng vị trí công việc, nhân viên sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm trên cơ sở bản mô; Giám sát công việc của của nhân viên, đảm bảo mỗi nhân viên hoàn thành công việc được gia; Tổng hợp phân tích lỗi, có cơ chế thông tin cảnh báo với các bộ phận liên quan, đảm bảo mục tiêu chất lượng; Xây dựng môi trường làm việc trong phòng hướng tới sự công bằng, gắn kết, trung thực và có trách nhiệm…”, anh Mạnh phân tích đầu công việc khi làm giám sát KCS.
Theo quan điểm của anh, công việc giám sát khác rất nhiều so với đảm nhiệm thuần túy công việc về chuyên môn. Ngoài năng lực chuyên môn tốt, tối ưu được kỹ năng và phương pháp làm việc thì người giám sát cũng nên hiểu về tâm lý nhân viên, xây dựng được môi trường làm việc cởi mở thoải mái, yếu tố này khi mình áp dụng thì hiệu suất làm việc của nhân viên được cải thiện rõ rệt.
“Mình thường giao việc phù hợp với năng lực của từng nhân viên, kiểm tra giám sát công việc mình giao để kịp thời điều hướng, hiệu chỉnh hoặc hỗ trợ nhân viên khi cần thiết. Nếu nhân viên thuận tay phải thì không ép họ viết tay trái, phải động viên để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên”, anh Mạnh tâm đắc nói.
Mỗi ngày, anh Mạnh dành 8 tiếng để thực hiện các khâu giám sát, hậu kiểm soát công việc của nhân viên, soát báo cáo, nhập dữ liệu để có thông số phân tích.
Anh nói, Công ty đầu tư rất bài bản các thiết bị để KCS có thể kiểm tra các chỉ tiêu kiểm soát như máy NIR: Kiểm tra dinh dưỡng, máy đo độ cứng, độ bền, độ ẩm, công cụ Bravo góp phần truy xuất lịch sử sản xuất, thống kê khối lượng sản phẩm, kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, công cụ quản lý nhân sự Base cũng giúp giám sát quản lý công việc, theo dõi tiến độ thực hiện công việc của nhân viên.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố cốt lõi để phát triển doanh nghiệp. Vì vậy nhân viên phòng KCS sẽ được đào tạo bài bản từ chuyên môn nghiệp vụ, và cả kỹ năng làm việc”, anh Mạnh bày tỏ.
Thúy Hằng