Tác giả: HPG News

Thứ bảy, 26-03-2022 | 7:00am

Hòa Phát và hành trình trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Trong 30 năm phát triển, Tập đoàn Hòa Phát có hành trình hơn 20 năm tham gia sản xuất thép thô và nhiều loại thép thành phẩm khác. Từ chỗ năng lực sản xuất chỉ 300.000 tấn vào năm 2001, Hòa Phát đã đạt trên 8 triệu tấn vào năm 2021. Điều này có nghĩa là quy mô, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đã tăng trưởng 28 lần trong 20 năm, đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, tương đương Top 50 DN thép thế giới.

Năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát tăng 28 lần trong 20 năm

Khởi đầu từ lĩnh vực buôn bán thiết bị xây dựng, khai thác mỏ năm 1992, Tập đoàn Hòa Phát với triết lí “Hòa hợp cùng phát triển” đã không ngừng mở rộng ra nhiều ngành nghề khác nhau như nội thất (1995), ống thép (1996), thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản (2001) và thương mại sắt thép (2004). Lĩnh vực thép nhanh chóng trở thành ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi, đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Tập đoàn.

Năm 2007, Hòa Phát tái cơ cấu hoạt động theo mô hình Tập đoàn, trong đó thép là lĩnh vực chính. Trong năm đầu tiên niêm yết 132 triệu cổ phiếu lên Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, sản lượng thép xây dựng đạt 233.000 tấn, tăng 30% so với 2006, đóng góp 46% vào kết quả chung. Thép Hòa Phát góp mặt trong Top 5 DN có thị phần lớn nhất.

Tháng 8/2007, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương chính thức được khởi công trên quy mô 132ha, được chia làm 3 giai đoạn với tổng công suất ban đầu là 1,7 triệu tấn. Đây là dự án sản xuất gang thép khép kín, hiện đại, quy mô lớn từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng đầu tiên của Tập đoàn Hòa Phát. Với ngành thép Việt Nam, dự án này được coi là đồng bộ, quy mô lớn nhất và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm đó. Điều này thể hiện vai trò tiên phong của thép Hòa Phát trong đổi mới công nghệ, áp dụng những thành tựu khoa học vào sản xuất, góp phần đưa ngành thép từ quy mô nhỏ, manh mún sang sản xuất theo chuỗi khép kín, quy mô lớn.

Quý II/ 2016, Khu liên hợp này hoàn thành và chạy đồng bộ cả 3 giai đoạn, nâng tổng công suất thép xây dựng Hòa Phát lên hơn 2 triệu tấn/năm. Ngay trong năm 2016, lần đầu tiên thép Hòa Phát vươn lên dẫn đầu thị phần thép xây dựng với sản lượng 1,8 triệu tấn, thị phần 22%. Sau nhiều lần cải tạo nâng cấp, sản lượng thép của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương đã đạt 2,5 triệu tấn/năm từ năm 2021.

Để tăng trưởng trong dài hạn, Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) từ tháng 3/2017. Với quy mô trên 5 triệu tấn/năm, Khu liên hợp được chia làm 2 giai đoạn, sản xuất 2,6 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm. Sau 4 năm, toàn bộ dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động đồng bộ vào tháng 1/2021. Từ thời điểm này, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đã vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với 8,5 triệu tấn/năm.

 Như vậy, trong 20 năm (2001-2021), từ nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn/năm, đến hết năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đã cao gấp 28 lần. Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong Top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu (theo World Steel 2020).

 Nhờ sản lượng ngày càng cao và ổn định của Khu liên hợp Dung Quất, thị phần thép xây dựng Hòa Phát đã tăng lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2018-2021, từ mức 24% lên 32,6%. Không chỉ dẫn đầu về thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát còn chiếm thị phần số 1 Việt Nam về ống thép, Top 4 nhà sản xuất và cung cấp tôn mạ lớn nhất Việt Nam.

Làm chủ công nghệ sản xuất HRC – Sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất được

Việc quyết định đầu tư sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) đã đưa Tập đoàn Hòa Phát thành doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam với dòng sản phẩm công nghiệp có giá trị cao này. Với HRC, Hòa Phát nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung đã tự chủ một phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, vỏ container,…đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh cho các nhà máy cơ khí chế tạo khác tại Việt Nam. Quan trọng hơn, sản phẩm này sẽ giúp doanh nghiệp thép trong nước chủ động nguồn nguyên liệu và tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tránh các dòng thuế bảo hộ đang ngày càng phổ biến hiện nay.

Như đã đề cập ở trên, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) có sản lượng 5,6 triệu tấn/năm, trong đó có 3 triệu tấn HRC, còn lại là phôi thép, thép xây dựng. Dây chuyền đúc cán tấm HRC của Khu liên hợp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu, đảm bảo chất lượng cao nhất, tiêu hao năng lượng thấp và thân thiện với môi trường. Tổ hợp dây chuyền bao gồm: 02 Máy đúc phôi tấm, 02 Lò nung Tuynel, 01 Nhà máy cán tấm mỏng. Sản lượng của Nhà máy đạt 3,5 triệu tấn/ năm. Sản phẩm là thép cuộn cán nóng, mác thép cacbon thấp, cacbon thấp thép hợp kim thấp cường độ cao, cacbon trung bình, cacbon trung bình thép hợp kim thấp cường độ cao. Sản phẩm được dùng để sản xuất các loại ống thép đặc biệt, tôn lợp và các sản phẩm đặc thù khác.

HRC cũng chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Hòa Phát Dung Quất. Sản phẩm thép dẹt yêu cầu rất khắt khe và chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới công đoạn nấu luyện và cuối cùng là công đoạn cán. Thép lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng sẽ được chuyển sang Nhà máy sản xuất HRC.  Tại đây quy trình đúc-cán liên tục được diễn ra với đầu vào là thép lỏng và đầu ra là HRC. Việc làm chủ được công nghệ sản xuất một sản phẩm mới có giá trị cao như HRC là minh chứng rõ nhất cho sự trưởng thành vượt bậc của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép.

Sự trưởng thành của Hòa Phát không chỉ ở quy mô, năng lực sản xuất, khả năng làm chủ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, mà còn nằm ở chuỗi giá trị sản xuất ngày càng được nối dài, cơ cấu sản phẩm đa dạng. Giai đoạn 2001-2016, Hòa Phát tập trung chủ yếu sản xuất phôi thép, thép xây dựng, ống thép. Nhưng từ 2017 đến nay, chuỗi sản phẩm thép của Tập đoàn đã bổ sung vào danh mục các dòng sản phẩm thép cuộn chất lượng cao để làm thép rút dây, lõi que hàn, thép dự ứng lực, HRC, tôn mạ, vỏ container, mặt bích bê tông dự ứng lực. Những lợi thế về quy mô, công nghệ, chủng loại và sức cạnh tranh của sản phẩm đang giúp Hòa Phát vươn mình ra thị trường thế giới.

Hướng tới sản xuất thép xanh, thân thiện với môi trường

Bên cạnh đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, Hòa Phát đề cao việc đầu tư, sử dụng tiết kiệm các loại năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường ở các khu vực sản xuất của Hòa Phát trên toàn quốc.

Theo ông Trần Tuấn Dương – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, Hòa Phát dành 30 % vốn cố định của các dự án thép cho các hạng mục về môi trường nhằm tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, hướng tới sản xuất thép “xanh”. Đây là những quốc gia có yêu cầu về bảo vệ môi trường rất khắt khe. Quan trọng nhất trong số đó là giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, thân thiện với môi trường. Toàn bộ khí, nhiệt dư được thu hồi để phát điện hoặc tái sử dụng trong quá trình luyện gang thép. Giải pháp này được áp dụng cho cả hai KLH Sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi.

Thực tế, cùng sản xuất ra một tấn thép nhưng Hòa Phát dùng ít than và điện hơn. Điều này cũng tạo thêm yếu tố “xanh” trong sản phẩm. Khi sản xuất tới hàng triệu tấn thép, quy trình này sẽ làm sản sinh ra một lượng nhiệt rất lớn. Ví dụ tại Dung Quất, Hòa Phát sử dụng công nghệ của Đức, chuyển hoá lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện với nhà máy có công suất lên tới 240MW. Với quy trình đó, Hòa Phát tự chủ được 80% lượng điện cần thiết cho sản xuất thép. Còn tại Hải Dương, giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải tái sử dụng cũng giúp Hòa Phát tự chủ 80-90% điện sản xuất.

Nhờ các giải pháp này, thép Hòa Phát luôn tối ưu hóa chi phí sản xuất, sản phẩm có sức cạnh tranh cao,  đồng thời góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát huy những giá trị chuỗi sản xuất thép đã tạo dựng được, năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Dự án có quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng. Với diện tích 284ha, Dung Quất 2 có tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án này, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm, trong đó, riêng HRC là 8,6 triệu tấn. Dự kiến, Tập đoàn Hòa Phát sẽ lọt vào tốp 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Tin mới nhất

Hòa Phát ra mắt loạt sản phẩm điện máy gia dụng mới, ưu đãi đặc quyền cho nội bộ

Thương mại Hòa Phát tròn 20 năm phát triển: Khẳng định vị thế doanh nghiệp chăn nuôi bò Úc hàng đầu

Hòa Phát trao tặng hàng chục nghìn suất quà Trung thu cho CBNV

Tin liên quan