Tác giả: HPG News

Thứ bảy, 23-04-2022 | 7:00am

“Giáo sư nông nghiệp Hòa Phát” – từ kế toán bẻ lái rất cừ sang chăn nuôi

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm... đó là những điều mà CBNV cảm nhận về chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát– “giáo sư nông nghiệp” của HPG.

“Nếu muốn thì tìm cách, nếu không muốn thì tìm lý do”.

Vào Hòa Phát, chị Vân có 8 năm làm kế toán mảng sản xuất thép, đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng, sau đó năm 2015 chị chuyển sang Công ty Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, xắn tay phụ trách lĩnh vực hoàn toàn mới - nuôi heo.

Tay mơ về nông nghiệp, thứ duy nhất chị Vân có khi vào nghề là đam mê. Chị Vân kể với chúng tôi về những ngày đầu xây dựng trại heo ở Yên Bái, trời mưa tầm tã, đất đá sạt lở, khó san lấp mặt bằng, nhân công ít. Ngày đó, cả nhóm chỉ có 20 người, chủ yếu là nhân viên vật tư, hành chính và kế toán từ công ty khoáng sản.

“Từ khoáng sản mà đi chăn nuôi heo, chúng tôi nói tếu táo rằng, heo công ty mình đặc biệt và lạ lắm, nó không ăn cám mà ăn khoáng sản”, chị Vân chia sẻ.

 Chị Thanh Vân, Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát rất quan tâm tới hoạt động thể thao, tạo sân chơi cho CBNV

Làm chăn nuôi bắt buộc phải ở lại trại nhưng ai cũng sợ không thực hiện được, sợ không anh em nào chịu ở lại vì buồn, vì trại ở nơi heo hút, cần cách ly triệt để và không được ra vào thoải mái. Nhưng với chiêu “đắc nhân tâm” của chị Vân, khi trại đi vào vận hành, anh em khoáng sản lại thành anh em chăn nuôi thực thụ, trực ở trại 24/24h, làm việc, vui chơi, đón giao thừa cùng nhau, coi trại như ngôi nhà thứ hai của mình vậy.

Với định hướng và tầm nhìn dài hạn, công ty đã ứng dụng chặt chẽ mô hình an toàn sinh học đạt chuẩn vào các trại. “Chăn nuôi an toàn sinh học công nghệ cao rất mới, nhiều yếu tố chi phối. Làm nông nghiệp sạch không hóa chất cần nhất là người có lương tâm và đủ đam mê theo đuổi, dám chịu mất mát, chấp nhận rủi ro. Nếu muốn thì tìm cách, nếu không muốn thì tìm lý do”, chị Vân chia sẻ.

Vốn có nền tảng về quản trị doanh nghiệp, Hòa Phát chiếm nhiều ưu thế trong việc phát triển nông nghiệp với tư duy logic, thống kê nhanh gọn. Khi quản lý trại, chị Vân luôn đặt ra các câu hỏi tư duy theo hướng công nghiệp như mỗi con heo tiêu thụ hết bao nhiêu nước, ăn bao nhiêu cân cám trong ngày, mọi số liệu phải được ghi chép, thống kê và theo dõi đầy đủ.

“Quá trình vận hành, công ty đặt ra yêu cầu rất nhiều, từ quy trình đến chỉ số quản lý, số liệu báo cáo, nguyên tắc của tần suất báo cáo, làm kỹ từng chỉ tiêu. Các bạn nhân viên khá áp lực vì tâm lý trước giờ làm trong ngành chăn nuôi không đơn vị nào yêu cầu cao và nhiều vậy, mỗi tháng chỉ cần làm báo cáo tuần và báo cáo tháng. Ban đầu áp lực là thế, choáng là thế với cách Hòa Phát quản lý nhưng khi quen dần, đội ngũ cán bộ nhân viên trại đã hiểu vì sao phải quản lý chuyên nghiệp như vậy” Chị Vân cho biết.

Chị sếp Number One

Anh Ngô Xuân Trường, Giám đốc  trại Sơn Động, Bắc Giang nhớ lại những ngày đầu rất lo lắng nhưng nhờ được sếp Vân động viên, anh em trại rất tự tin vượt qua khó khăn, vận hành trại trơn tru.

“Câu nói “Học, học nữa học mãi” tôi thấy rất đúng với chị Vân. Từ một người rẽ ngang qua chăn nuôi, chị luôn tìm cách trau dồi, học hỏi thêm kiến thức chuyên môn. Không chỉ vậy, nếu thấy nhân viên còn khiếm khuyết, chị sẽ chủ động tổ chức các buổi học để bồi dưỡng thêm cho nhân viên. Chị luôn bám sát mọi vấn đề để cùng anh em để giải quyết bằng phương án tối ưu nhất”, anh Trường nói.

Anh Việt – nhân viên hành chính công ty lại vô cùng nể sự nhiệt huyết, khả năng xử lý vấn đề nhanh và thông minh của sếp Vân sau nhiều lần “đương đầu” với các tình huống “trên trời rơi xuống” như nhập heo Đan Mạch về trại khi lũ lụt hay công tác dân vận ở trại Bắc Giang.

Công ty Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát như một gia đình lớn luôn được chị Vân và ban giám đốc động viên quan tâm đến đời sống của anh em cán bộ nhân viên chu đáo thường xuyên. Chị Vân còn là đầu tầu kéo anh em tham gia hoạt động thiện nguyện. Công ty có hệ thống trại trải ở nhiều tỉnh nhưng “không gì sếp Vân không biết”, chị Vân thường xuyên đến từng trại, đảm bảo trại là ngôi nhà thứ hai để anh em gắn bó, ăn ngủ nghỉ tiện lợi nhất. Chị còn ‘bánh bao’ anh em ăn sáng, ăn xế, ăn vặt, tổ chức các hoạt động thể thao cho anh em.

“Mọi người thường e dè khi công ty có “sếp nữ” nhưng đối với gia đình chăn nuôi Hòa Phát, chị Vân quản lý rất gắt nhưng lại công bằng, thân tình, tâm lý. Chị ấy thực sự là “chị sếp Number One” của chúng tôi” – nhiều anh em chăn nuôi được HPG News phỏng vấn đã kết luận.

Thúy Hằng

 

Tin mới nhất

Phát huy lợi thế logistic tại cảng nước sâu Dung Quất

Thép Hòa Phát Dung Quất tri ân các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Khai mạc Hội thi Kỹ năng nghề lần thứ nhất Nhà máy Cơ điện 2

Tin liên quan