Tác giả: HPG News

Thứ tư, 31-05-2023 | 8:00am

Thép “xanh” ở Hòa Phát

Tiêu chí tiết kiệm các loại năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường ở các khu vực sản xuất thép của Hòa Phát trên toàn quốc đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đầu tư cho sản xuất thép “xanh”, mỗi năm Hòa Phát tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng thông qua thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện, tái sử dụng góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Vốn đầu tư cho các hạng mục về bảo vệ môi trường chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư các dự án thép của Hòa Phát. Ảnh: Phương Huyền
Vốn đầu tư cho các hạng mục về bảo vệ môi trường chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư các dự án thép của Hòa Phát

Thu hồi nhiệt, khí thải, tự chủ phần lớn điện sản xuất

Trong lĩnh vực sản xuất gang thép, việc đầu tư thiết bị công nghệ nhằm kiểm soát tốt môi trường, xử lý triệt để chất thải, khí thải phát sinh hiện là yêu cầu quan trọng, nhất là giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, thân thiện với môi trường. Giải pháp này được áp dụng cho cả hai khu liên hợp (KLH) sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi. Vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư cố định các dự án.

Tại Dự án KLH sản xuất gang thép Dung Quất, Hòa Phát chi tới 30% tổng giá trị đầu tư Dự án cho việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ vậy, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường TCVN ISO14001:2015 trong sản xuất các sản phẩm của thép Hòa Phát.

Để có thép “xanh”, chất lượng không khí, nước được xử lý bằng các thiết bị bảo vệ môi trường hiện đại nhất trị giá tới hàng trăm triệu USD, giảm lượng tiêu thụ than và điện. Đối với nhiệt sinh ra trong quy trình sản xuất, Hòa Phát sử dụng công nghệ của Đức chuyển hoá lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện. Lượng điện do Hoà Phát tự chủ chính là điện xanh vì không phải đốt thêm than hay bất cứ một vật chất nào khác, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước sản xuất, khí thải đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành thép hiện đại. Tại Hòa Phát, công nghệ luôn là ưu tiên số 1. Ngay từ khi triển khai KLH gang thép đầu tiên tại Hải Dương, giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo nên sản phẩm thép xanh, thân thiện với môi trường, tăng thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thép Hòa Phát.

Giải pháp trên giúp Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép tư nhân đầu tiên của Việt Nam được vay vốn ODA của Nhật Bản để triển khai giai đoạn 2 Nhà máy luyện than coke và điện nhiệt dư - KLH gang thép Hòa Phát Hải Dương (năm 2009). Các KLH sản xuất thép của Tập đoàn áp dụng công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM, giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, thu hồi nhiệt năng để phát điện, giúp Hòa Phát chủ động nguồn điện cho sản xuất.

Với công nghệ luyện than coke sạch (dập cốc khô bằng khí nitơ), thu hồi nhiệt, KLH gang thép Hòa Phát Hải Dương hiện có công suất phát điện 114 MW.

Năm 2021, KLH Hải Dương đưa vào hoạt động Tổ máy phát điện số 5 gồm nồi hơi nhiệt dư siêu cao áp của lò luyện than coke và nồi hơi khí than dư của lò cao. Các nồi hơi sử dụng công nghệ cao nhiệt siêu cao áp mới nhất hiện nay, tạo ra hiệu suất phát điện cao hơn nhiều so với công nghệ cũ, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn. Công suất phát điện của Tổ máy số 5 bằng 80% tổng công suất các tổ máy đã được đầu tư từ trước.

Ưu điểm của máy phát điện cao nhiệt siêu cao áp là tận dụng triệt để nguồn năng lượng dư thừa trong quá trình sản xuất như nhiệt, khí để phát điện, giúp Công ty nâng cao sản lượng điện, giảm bớt áp lực cho ngành điện, nhất là vào mùa khô.

Riêng năm 2022, sản lượng điện phát của KLH Hòa Phát Hải Dương đạt 500 triệu kWh, tương ứng tự chủ khoảng 75% lượng điện sản xuất. Bên cạnh đó, thép Hòa Phát còn thu hồi xử lý toàn bộ khí than lò cao nhằm tái sử dụng trong các công đoạn sản xuất, qua đó tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Còn tại KLH gang thép Hòa Phát Dung Quất, chi phí tiết kiệm được nhờ các giải pháp trên cao hơn so với ở Hải Dương do quy mô sản xuất lớn hơn, hệ thống tối ưu và hiện đại hơn. Công suất phát điện ở Hòa Phát Dung Quất là 240 MW, gấp hơn 2 lần tại Hải Dương. Năm 2022, sản lượng điện của Nhà máy Nhiệt điện tại Dung Quất đạt 1,92 tỷ kWh. Lũy kế đến 31/12/2022, tổng sản lượng điện của Khu liên hợp đạt 5,4 tỷ kWh, đáp ứng 75% - 80% nhu cầu điện toàn KLH. Đây cũng là lý do thép được sản xuất tại KLH Dung Quất có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. 

Hòa Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý bụi phát sinh trong sản xuất như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt, xây dựng hệ thống tường bao, trồng cây xanh để chống phát tán bụi, tiêu âm. Khuôn viên của các nhà máy và các tuyến đường xung quanh đều được phủ xanh bằng hệ thống cây, vườn hoa, tiểu cảnh, góp phần làm xanh - sạch - đẹp môi trường KLH. Hàng năm, rất nhiều sáng kiến được các phòng, ban chuyên môn áp dụng nhằm giải quyết triệt để vấn đề bụi. Lượng bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, vảy cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện môi trường làm việc.

Với quy mô công suất 8,5 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, việc áp dụng các giải pháp trên góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường tốt hơn. Đây cũng là cách Hòa Phát tạo ra sản phẩm xanh, bền vững.

Thép “xanh” ở Hòa Phát ảnh 1

Xuất khẩu sản phẩm thép Hòa Phát tại cảng chuyên dùng Dung Quất (Quảng Ngãi)

Biến xỉ hạt lò cao thành vật liệu xây dựng

Xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 của Hòa Phát là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang thép theo công nghệ lò cao khép kín. Nhờ được làm lạnh cực nhanh bằng nước áp lực cao, xỉ hạt lò cao là một loại phụ gia khoáng hoạt tính rất tốt, gia tăng chất lượng cho xi măng, bê tông nên được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới.

Với nguồn cung từ 2 KLH sản xuất gang thép ở Kinh Môn - Hải Dương và Dung Quất - Quảng Ngãi, xỉ S95 của Hòa Phát đạt sản lượng hơn 1,4 triệu tấn năm 2022, tăng 40% so với năm 2021, được đánh giá cao về chất lượng và sử dụng tại nhiều công trình. Trong đó, sản lượng bán xỉ S95 tại KLH Hòa Phát Dung Quất đạt hơn 766.000 tấn. Trung bình mỗi tháng, KLH Hòa Phát Dung Quất cung cấp 6 - 7 vạn tấn cho các thị trường miền Trung, miền Nam và phục vụ xuất khẩu. Tại KLH Hòa Phát Hải Dương, sản lượng bán xỉ S95 năm 2022 đạt hơn 641.000 tấn. Nhiều dự án trên cả nước sử dụng xỉ S95 của Hòa Phát trong phối trộn bê tông như: Vinhomes Ocean Park 2…

Xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 xuất khẩu đảm bảo chất lượng theo TCVN 11586:2016, đồng thời thoả mãn yêu cầu của GGBS theo tiêu chuẩn Anh - BS-EN 15167-1:2006. Xỉ S95 Hòa Phát được ứng dụng đa dạng trong sản xuất xi măng, bê tông các loại từ xi măng thường đến xi măng ít tỏa nhiệt, xi măng bền sunphat, xi măng xỉ. Trong sản xuất bê tông, xỉ S95 được dùng trong bê tông thương phẩm, bê tông cường độ cao, bê tông cọc đất, bê tông siêu tính năng. Ngoài ra, xỉ S95 còn được sử dụng để trộn vữa hoặc làm chất kết dính gia cố nền đất yếu…, tăng tuổi thọ cho các công trình trên biển, trên đảo và ven biển.

Sản phẩm S95 Hòa Phát giúp giảm giá thành bê tông thương phẩm do có chi phí thấp hơn, thay thế được 30 - 40% xi măng PCB40 khi phối trộn. Do đó, xỉ S95 góp phần giảm hàm lượng clinker trong xi măng và lượng phát thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường, tạo thêm nguồn thu ổn định cho Tập đoàn Hòa Phát.

Tin mới nhất

Phát huy lợi thế logistic tại cảng nước sâu Dung Quất

Thép Hòa Phát Dung Quất tri ân các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Khai mạc Hội thi Kỹ năng nghề lần thứ nhất Nhà máy Cơ điện 2

Tin liên quan