Tác giả: Vũ Việt
Thứ bảy, 04-02-2023 | 11:38am
Chàng kỹ sư xây dựng ‘phải lòng’ những chú heo trên quê hương 5 tấn
6 năm đồng hành cùng Phát triển Chăn nuôi và quê hương Thái Bình, đến nay, anh Đỗ Văn Tấn (48 tuổi, Hưng Yên) đang đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty Chăn nuôi Thái Thụy. Từ kỹ sư xây dựng rẽ ngang sang làm nông nghiệp, anh Tấn luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, kĩ năng từng ngày, từng giờ để quản lý, vận hành trại heo đạt hiệu quả tốt.
Từ kỹ sư xây dựng bén duyên với quản lý trang trại chăn nuôi
Tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng trường Đại học Giao thông Vận tải, từ khi ra trường đến năm 2017, anh Tấn đã từng thực hiện nhiều siêu công trình xây dựng, trong đó có những đường cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng – Quảng Ngãi…
Năm 2017, anh Tấn đã đầu quân về Hòa Phát làm chỉ huy trưởng công trình xây dựng trại heo tại Thái Bình. Anh Tấn chia sẻ, ban đầu khi thực hiện, công trình đã gặp phải những khó khăn nhất định về mặt bằng, nhân sự, nhà thầu, tiến độ bởi dự án chăn nuôi không được phép chậm do heo giống đã có kế hoạch định sẵn. Tuy nhiên, với sự quyết liệt, đoàn kết, đồng lòng từ lãnh đạo đến cán bộ công nhân viên, dự án đã kịp đi vào vận hành.
Gắn bó lâu dần, anh Tấn đã trở thành người Thái Bình chính hiệu. Anh tâm sự: “6 năm gắn bó với đất Thái Bình, giờ ra ngoài ai cũng biết, cũng coi mình như người địa phương rồi”. Từ tay ngang với chuyên môn xây dựng rẽ sang làm quản lý chăn nuôi, anh Tấn không giấu được sự lo lắng khi đảm nhận một vị trí hoàn toàn mới vì kinh nghiệm về chăn nuôi công nghệ cao chưa có. Nhưng dẫu có khó khăn đến mấy, khi đến Hòa Phát đều được giải quyết vì mọi người luôn đồng hành cùng nhau để tháo gỡ mọi khó khăn.
“Khi bắt nhịp và hiểu rõ bản chất công việc, tôi đã không còn lo lắng. Về kỹ thuật chăn nuôi thì Công ty đã có quy trình rõ ràng, tường minh. Các trại trưởng cũng rất nhiệt tình, thân thiện, anh em chúng tôi thường xuyên trao đổi, thống nhất nên khâu này cũng ổn định đảm bảo mục tiêu đề ra”, anh Tấn nói thêm.
Anh Tấn xúc động kể lại: “Ngược đời lắm, vào Hòa Phát thì khó khăn với tôi chẳng ngắn tày gang, còn lại là niềm vui, niềm hạnh phúc vì luôn có gia đình Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát đồng hành, nhiệt tình giúp tôi quản lý và vận hành trại ổn định. Trước đây, tôi làm quản lý ngành xây dựng nên khi chuyển qua làm nông nghiệp cũng có nhiều nét tương đồng. Làm quản lý thì hầu hết các ngành nghề nó cũng gần như nhau vì cũng cần quản lý nhân sự, tài sản, vật tư, chi phí…
An toàn sinh học là tối quan trọng
Bén duyên với Nông nghiệp Hòa Phát, anh Tấn bật mí anh bạn “Hòa Phát” bằng 3 tính từ, đó là “chậm, chắc, bền”, bước đi từ từ trên cơ sở tính toán không ăn xổi,phát triển bền vững lâu dài. Văn hóa của con người Hòa Phát luôn vui vẻ, hòa đồng, trong công việc thì lắng nghe, quyết liệt và tuân thủ.
Mỗi ngày, anh Tấn phải quản lý chung các vấn đề phát sinh trại trại, bao gồm các vấn đề liên quan từ vận hành, quan hệ với chính quyền, nhân dân địa phương…. Tất cả công việc này nhằm đảm bảo cho trại hoạt động đảm bảo một cách tốt nhất và đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023. Cụ thể như việc thực hiện và giám sát đúng quy định về an toàn sinh học cả trong và ngoài trại đối với con người, xe, vật tư ra vào; thực hiện nghiêm túc đúng quy trình về bảo vệ môi trường, quy trình về chăn nuôi nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra, tiết giảm chi phí trong tất cả các khâu như thức ăn, thuốc, điện, nước….
Theo anh Tấn, để thực hiện tốt các công việc quản lý, hằng ngày anh phải giao việc cụ thể cho từng vị trí quản lý bên dưới, thành lập các nhóm zalo, viber cho từng tổ, đội hàng ngày yêu cầu các bạn phải báo cáo kết quả công việc hôm nay và kế hoạch ngày mai. Trên cơ sở báo cáo này đó, anh Tấn sẽ rà soát lại nếu thấy bất hợp lý sẽ trao đổi và điều chỉnh. Đơn cử như việc đảm bảo an toàn sinh học khi phun sát trùng các xe, vật tư hoặc để UV bảo vệ, tất cả đều phải chụp ảnh gửi báo cáo trên nhóm để đảm bảo xe, vật tư này đã thực hiện an toàn. Việc báo cáo yêu cầu thực hiện nhanh chóng để có vấn đề sẽ xử lý kịp thời.
Anh Tấn tiết lộ, trong chăn nuôi công nghiệp hiện nay, vấn đề an toàn sinh học được ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu tối quan trọng. Điều đó thể hiện rõ trong quan điểm nuôi heo của Công ty Chăn nuôi Hòa Phát. Heo hậu bị được cách lý đúng quy định, sau khi đã hết thời gian cách ly đàn mới nhập sẽ được đưa lên chuồng phát triển hậu bị để kích thích lên giống. Người nuôi cũng riêng rẽ từng chuồng, sau đó đưa sang chuồng phối để phối giống. Khi chuyển heo từ chuồng này sang chuồng kia đều được phun sát trùng khử khuẩn….
“Toàn bộ hệ thống chuồng trại đều được quây kín bằng lưới chống côn trùng tránh ruồi, muỗi, chim, chuột. Định kỳ phun sát trùng diệt khuẩn. Công nhân hoặc khách tới trại công tác, tham quan đều được cách ly 48h để sạch mầm bệnh, trước khi vào chuồng phải đi qua hệ thống phun sát trùng, tắm rửa sạch sẽ mặc quần áo bảo hộ sạch riêng cho từng người, điện thoại, đồ dùng chiếu tia UV, lau cồn trước khi mang vào chuồng. Người nuôi chuồng nào riêng biệt ở chuồng đó, khu nào riêng biệt ở khu đó…”, anh Tấn phân tích.
Nhấn mạnh lại vấn đề, anh Tấn cho hay, để tránh những sai sót xảy ra khi quản lý trại, yếu tố quan trọng chính là con người. Bởi mục tiêu giữ gìn an toàn sinh học là hàng đầu, sau đó đến kỹ thuật chăm sóc, vận hành các hệ thống liên quan như điện, nước, biogas… Tiếp đến là việc kiểm tra, kiểm soát, bảo trì công cụ, dụng cụ để đảm bảo vận hành ổn định tránh xảy ra sự cố...Tất cả đều được vận hành, làm chủ bởi con người nên anh thường xuyên nhắc nhở anh em không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
“Từ khi làm Hòa Phát đến nay, tôi được làm mới bản thân, luôn nỗ lực vượt thử thách, giải quyết được nhiều thứ tồn đọng, nhưng lớn nhất chính là cách ứng xử nhã nhặn và sức ì của bản thân. Cảm ơn anh bạn Hòa Phát. Nhân dịp tuần kỷ niệm kỷ niệm thành lập Tổng Công ty Nông nghiệp Hòa Phát, xin chúc cho chúc cho Tổng Nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng luôn phát triển bền vững”, anh Tấn vui vẻ nói.