Tác giả: Nguyễn Hưng
Thứ sáu, 19-04-2024 | 4:00pm
Hòa Phát tổ chức Chương trình đào tạo “Tổng quan quản trị và điều hành doanh nghiệp” khóa 2
Ngày 17/04/2024, Ban Nhân sự Tập đoàn Hòa Phát phối hợp với Viện Đào tạo & Tư vấn Doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại Thương đã triển khai chương trình đào tạo dành cho Phó Giám đốc Công ty cấp C2; Trưởng, phó ban Văn phòng Tập đoàn và Ban Giám đốc Công ty cấp C3.
“Tổng quan quản trị và điều hành doanh nghiệp” là chương trình hướng tới mục tiêu giúp các học viên hệ thống hóa các tri thức về quản trị tổ chức; cập nhật các phương pháp luận, xu hướng trong điều hành doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc chương trình, chị Trần Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ về định hướng của Ban Tổng giám đốc trong việc Đào tạo và Phát triển cán bộ lãnh đạo/cán bộ quản lý của Tập đoàn trong thời gian tới.
Ngày đào tạo đầu tiên gồm nhiều nội dung phong phú xoay quanh các chủ đề như bàn về mục tiêu của quản trị là khai thác một cách tốt nhất các nguồn lực đầu vào (hiệu suất) để tạo ra hiệu quả của đầu ra. Và bài toán đặt ra cho các nhà quản trị là cần tìm lời giải cho hiệu suất và hiệu quả.
Quay trở về nguồn gốc, Khoa học về quản trị hiện đại được hình thành từ năm 1911, và bắt đầu hành trình liên tục đi tìm lời giải làm sao để giải được bài toán hiệu suất và hiệu quả. Với mỗi lời giải được tìm ra thì đều được đúc kết thành 01 trường phái quản trị, nhìn lại quá trình hơn 100 năm thì có 06 lời giải lớn hay còn gọi là 06 trường phái lớn đã được hình thành:
- Trường phái quản trị theo khoa học của Frederick Taylor – Tập trung vào chuyên môn hóa;
- Trường phái quản trị của Henri Fayol – Tập trung vào quản trị theo thể chế/khung quản trị;
- Trường phái quản trị của Elton Mayo – Tập trung vào tâm lý lao động;
- Trường phái quản trị lượng hóa của Shewhart - Tập trung vào số liệu thống kê, dữ liệu;
- Trường phái quản trị của Peter Drucker – Quản trị theo từng tình huống, sát thực tế;
- Trường phái quản trị thích ứng với thời đại mới của David L. Roger – Chuyển đổi số.
Đồng hành cùng chương trình là PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương
Sau phần củng cố các học thuyết, học viên đã có phần thảo luận, chia sẻ về những hoạt động đã và đang vận dụng tại chính công ty mình như thế nào.
Nhóm 01 lựa chọn thực tiễn vận dụng tại Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương để thảo luận, đại diện nhóm, anh Đỗ Đức Đôn – Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: “Cũng như các doanh nghiệp khác, Công ty đang vận dụng 06 trường phái quản trị ở các mức độ khác nhau. Ví dụ, thời kỳ đầu của giai đoạn sản xuất Công ty áp dụng những biểu mẫu sơ khai nhất để quản lý, tới giai đoạn 2010 - 2015 đã chuẩn hóa các tiêu chuẩn quản lý theo ISO và cho đến hiện nay đã áp dụng phần mềm vào tự động hóa các quy trình,...”
Nhóm 02 lựa chọn mô hình quản trị của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất để đại diện và phân tích với sự chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Tố Hoài – Phó Giám đốc Công ty về các hoạt động đang áp dụng như: Tự động hóa; ISO; Hành vi năng lực nhu cầu tính cách; quá trình định lượng hóa, thống kê; và đang trong quá trình chuyển đổi số.
Nhóm 03 lựa chọn trao đổi sâu về phần tự động hóa với các câu chuyện được chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Khánh – Phó Giám đốc Công ty. Các hoạt động của Công ty Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cũng đều có liên quan tới 06 trường phái quản trị nói trên.
Sau phần thảo luận và chia sẻ về thực tiễn vận dụng các trường phái quản trị tại Công ty mình, các học viên tiếp tục trao đổi, khái quát hóa về 04 chức năng của quản trị, bao gồm:
- Chức năng Hoạch định: Hoạch định Chiến lược và Lập kế hoạch thực hiện Chiến lược;
- Chức năng Tổ chức: Tổ chức thực hiện chiến lược, tổ chức thực hiện kế hoạch;
- Chức năng Lãnh đạo: Dẫn dắt, Truyền cảm hứng, Đồng hành;
- Chức năng Kiểm soát: Kiểm tra, Kiểm soát, Đảm bảo.
Kết thúc chương trình đào tạo ngày đầu tiên là thảo luận về “10 kỹ năng của nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên số”.
Đánh giá về khoá đào tạo “Tổng quan quản trị và điều hành doanh nghiệp”, anh Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương chia sẻ: Khóa đào tạo giúp cho cán bộ quản lý có thêm kiến thức lý luận một cách tổng quan, có hệ thống về công tác quản lý, nhất là các lãnh đạo cấp C2 khối trực tiếp sản xuất, thông thường được trưởng thành từ thực tiễn và ít được trang bị kiến thức lý thuyết".
Anh Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Phát triển chăn nuôi cho biết: Buổi học hôm nay giúp tôi hiểu thêm một phần kiến thức cơ bản về quản trị, rất khoa học, logic, có những ví dụ minh hoạ rất thực tế, dễ hiểu. Việc quản trị của tôi từ trước tới nay chỉ dựa trên kiến thức ngành được đào tạo, dựa trên kinh nghiệm và kiến thức học được từ anh chị em và chuyên gia làm cùng, cho nên chưa thật sự bài bản, còn thiếu nhiều thứ mà lẽ ra có thể làm tốt hơn.
Thông qua kiến thức mà chương trình cung cấp giúp tôi có thêm tư duy, lý luận gắn với thực tiễn công việc, hệ thống hoá lại các việc mình đang làm liên quan tới hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm soát, hiệu suất và hiệu quả, nhân trị và kỹ trị. Với chân dung của nhà quản trị tôi thấy mình còn đang thiếu nhiều thứ và cần phải tiếp tục học tập, nâng dần giá trị bản thân để đáp ứng được các nhiệm vụ công ty giao.
Chương trình “Tổng quan Quản trị & Điều hành Doanh nghiệp” - Khóa 2 sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 24/04/2024 với nội dung về Quản trị mục tiêu & Giới thiệu các công cụ.