Tác giả: HPG News
Thứ bảy, 27-08-2022 | 9:00am
“Thép muốn cứng phải qua tôi và mỗi người muốn trưởng thành cũng cần phải qua tôi luyện”
Là sinh viên ưu tú của ngành Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Vũ Văn Tú đã vinh dự được nhận học bổng đồng hành cùng sinh viên của Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi tốt nghiệp Tú quyết định về đầu quân cho Thép Hòa Phát Hải Dương. Với Tú, ngoài có duyên, đó còn là tình yêu với cái tên “Hòa Phát” đã gắn bó với các cô cậu sinh viên dưới mái trường đại học.
Xin giới thiệu với độc giả HPG News những tâm huyết của Vũ Văn Tú trong bài viết dự thi “Hòa Phát – 30 năm tôi kể”
Sẽ có một nơi là “Hòa Phát” luôn luôn chào đón
Ngồi trong căn phòng của khu tập thể Thép Hòa Phát Hải Dương tôi nhận ra mới ngày nào mà nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi.
Nhớ những ngày bước chân vào giảng đường, bắt đầu con đường học hành với chuyên ngành Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mà bọn bạn hay trêu tôi là “sau này ra buôn đồng nát”, cái duyên của tôi với Hòa Phát cũng bắt đầu từ đó.
Khi học những kiến thức đầu tiên, các thầy cô liên tục nhắc đến hai tiếng Hòa Phát trong mỗi bài giảng của mình. Từ đấy chúng tôi - những cậu sinh viên đang chập chững những bước đi trên con đường đại học nhận ra rằng, chuyên ngành mà chúng tôi đang học sẽ có một nơi là “Hòa Phát” luôn luôn chào đón.
Tôi học chuyên ngành Cơ học vật liệu và Cán kim loại, hay gọi là học Cán. Mỗi khi học đến một thiết bị nào đó, các thầy cô đều thêm câu trích dẫn: thiết bị này hiện đại nhất hiện nay và đang được Hòa Phát sử dụng. Lâu dần hai tiếng Hòa Phát luôn hiện lên trong tâm trí, cảm thấy khá là thích thú với những cái mình học, muốn được tận mắt nhìn thấy, sờ thử, vui vì có những nơi đang rất cần những kỹ sư như chúng tôi.
Trong suốt những năm đại học của mình, có những lúc khó khăn, mệt mỏi, do hoàn cảnh gia đình mà tôi phải vừa học vừa làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. Nhiều lúc muốn từ bỏ việc học nhưng thật sự cảm ơn Hòa Phát đã cho tôi vinh dự được nhận học bổng của Công ty. Đây là học bổng dành riêng cho sinh viên có thành tích tốt chuyên ngành Vật liệu, giúp tôi có động lực hơn trên con đường học tập và thành công tốt nghiệp sau này.
Ra trường tôi làm cho một Tập đoàn nước ngoài về thiết kế ô tô và một vài công việc khác. Nhưng cuối cùng tôi quyết định đầu quân, trở thành kỹ sư của nhà máy Cán thép Hòa Phát. Mọi người thường nói với tôi “Đã có duyên rồi thì đi đâu cuối cùng lại cũng gặp nhau thôi”.
Thép muốn cứng phải qua tôi và mỗi người muốn trưởng thành cũng cần phải qua tôi luyện
Ban đầu làm một kỹ sư của Hòa Phát thật sự là một trải nghiệm rất khó quên. Học là một chuyện nhưng đi làm lại là một chuyện khác. Ngày đầu tiên đến với nhà máy thật lạ lẫm, bắt đầu làm bạn với máy móc, thép, rất nhiều thép, và những âm thanh của sản xuất…
Có những hôm người đầy dầu mỡ nhưng gắn bó lâu lại thành quen. Tôi gặp được rất nhiều các anh khoá trên bây giờ đang là những Kỹ sư chủ chốt của nhà máy. Nghe các anh kể những trải nghiệm, học hỏi được tinh thần làm việc và niềm đam mê với thép, … Tất cả những điều ấy làm bản thân tôi cảm thấy mọi thứ dần trở nên thân thuộc, thấy vui vì những mẻ thép mới ra lò, thấy yêu quý tất cả mọi người nơi đây đặc biệt là những người công nhân Hòa Phát chịu khó, chăm chỉ, hết lòng vì công việc dù nóng, dù vất vả vẫn hoàn thành công việc đảm bảo sản xuất.
Từ khi nào bản thân tôi đã trở thành con người của Hòa Phát!
Rời xa thủ đô Hà Nội để đến với vùng đất Kinh Môn - Hải Dương. Mỗi khi gọi điện cho người yêu thường hay trêu đùa rằng: “Anh đang ở một nơi rất xa, chỉ có những âm thanh của nhà máy” rồi hai đứa cùng cười. Thật sự để đưa ra quyết định bỏ thủ đô đến nhà máy thực sự là khó khăn với tôi. Nhưng sau khi nhớ lại cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” có một câu nói nổi tiếng mà tôi rất tâm đắc: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.
Thép muốn cứng phải qua tôi và mỗi người muốn trưởng thành cũng cần phải qua tôi luyện. Chính những điều đó đã giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn ở đây, ăn ngủ, làm việc cùng những người công nhân nhà máy, cảm thấy yêu hơn công việc lao động. Mặc dù ngành thép là một ngành công nghiệp nặng, môi trường làm việc vất vả hơn những ngành nghề khác rất nhiều.
Hòa Phát là cánh chim đầu đàn của ngành thép Việt Nam. Tôi cảm thấy tự hào vì 30 năm qua Hòa Phát đã không ngừng nghỉ trong công cuộc phát triển đất nước. Và tôi cũng cảm thấy vui vì mình cũng có một phần nhỏ bé trong đó.
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Hòa Phát chúc cho Tập đoàn ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là người anh cả của ngành thép Việt Nam.
Vũ Văn Tú