Tác giả: Xuân Danh

Thứ bảy, 25-11-2023 | 9:53am

Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương đến thăm và làm việc cùng Hòa Phát Dung Quất

Ngày 24/11/2023, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương đã đến thăm và làm việc với Thép Hòa Phát Dung Quất. Hoạt động này được thực hiện nhằm góp phần xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Công thương.

 Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương đến thăm, làm việc tại Thép Hòa Phát Dung Quất

Buổi làm việc có sự tham gia của lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và đại diện Trưởng, Phó các bộ phận của Công ty.

Ông Hồ Đức Thọ – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã thông tin tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty trong thời gian qua và định hướng chiến lược trong thời gian tới. Hiện tại, Công ty đang triển khai xây dựng Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tổng vốn đầu tư 85 nghìn tỷ đồng, với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/ HRC mỗi năm.

Dự án được khởi công từ đầu năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào đầu năm 2025, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng HRC. Sau khi triển khai Dự án 2, nâng tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất là 11,6 triệu tấn trên năm, đóng góp vào đà tăng trưởng chung của Tập đoàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Vũ Quang Hùng – Phó Viện Trưởng – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương nhấn mạnh: “Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 60 mỏ khoáng sản hợp kim. Với thế mạnh của một doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Hòa Phát, tôi rất mong muốn trong thời gian đến chúng ta có thể nghiên cứu phát triển thành công loại thép hợp kim có thể làm ốc vít, lò xo,… để thúc đẩy thị trường thép trong nước và giảm thiểu việc nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một bước ngoặt rất lớn cho thị trường thép trong nước nói riêng và kinh tế cả nước nói chung”.  

 TS.Vũ Quang Hùng – Phó Viện Trưởng – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương phát biểu tại buổi làm việc

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Thép Hòa Phát Dung Quất nói riêng và Tập đoàn Hòa Phát nói chung trong thời gian qua. Ông cũng tin tưởng rằng, Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với quy mô và tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp đầu ngành sẽ mang lại thành công và tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho ngành thép Việt Nam trong tương lai.

Chiều cùng ngày, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phát triển sản xuất, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng thép của Việt Nam”.  Buổi hội thảo với sự tham dự của đại diện các Bộ, Ban ngành, Sở Công thương các tỉnh và đại diện các doanh nghiệp ngành Thép trong nước cùng trao đổi về chính sách, thực trạng ngành và thực hiện các giải pháp hướng đến ngành công nghiệp thép xanh trong thời gian tới.

 Ông Mai Văn Hà – Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất phát biểu tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, ông Mai Văn Hà – Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đề nghị Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công thương và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt cần có biện pháp, cơ chế chính sách đối với hàng nhập khẩu và hàng nội địa nhằm tiến tới bình đẳng hàng hóa, tạo tiền đề xúc tiến giao thương và xuất khẩu sản phẩm thép trong thời gian tới.

Tham luận về nội dung “Định hướng phát triển thép xanh của Tập đoàn Hòa Phát”, ông Ngô Đức Tuyên – Trưởng phòng Công nghệ Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, Tập đoàn Hòa Phát nói chung và Thép Hòa Phát Dung Quất nói riêng đang nghiên cứu và thực hiện với 8 chương trình hành động. Trong đó, nổi bật nhất là giải pháp thu hồi sử dụng nhiệt dư trong quá trình sản xuất để chuyển hóa thành điện năng tái tạo sử dụng trở lại vào sản xuất, tự chủ đến 80% điện sản xuất.

Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp và đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển sản xuất, phân phối và xuất khẩu các mặt hàng thép trong thời gian đến, mở ra một tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp ngành thép Việt Nam.

Một số hình ảnh trong buổi làm việc:

Đại diện BGĐ Công ty, Ban Pháp chế Tập đoàn và Trưởng phó bộ phận của Công ty  

Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương đến thăm và làm việc cùng Hòa Phát Dung Quất 

 Thăm quan dây chuyền sản xuất trong Khu liên hợp

Tin mới nhất

Khóa đào tạo “Quản trị Mục tiêu và giới thiệu các công cụ: MBO – KPI – BSC – OKR"

Thép Hòa Phát Dung Quất khai giảng khóa đào tạo Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật đúc, cán thép tấm

Đào tạo Golive hệ thống phần mềm nhân sự

Tin liên quan