Tác giả: HPG News
Thứ sáu, 23-09-2022 | 5:47pm
Tổ trưởng tổ tiền lắp ráp tại Hà Nam: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
12 năm gắn bó với Tổng Công ty Điện máy Gia dụng Hòa Phát, anh Nguyễn Văn Thoảng (36 tuổi, Hưng Yên) hiện đang là tổ trưởng tổ tiền lắp ráp quản lý dây chuyền sản xuất. Trao đổi với HPG News, anh cho hay: “Hòa Phát là công ty đầu tiên tôi gắn bó từ khi ra trường đến nay. Ở đây, tôi có có cơ hội được học hỏi rất nhiều thứ về Điện máy gia dụng, đặc biệt là khâu lắp ráp kỹ thuật. Đã xác định là lắp ráp là nghề của mình, thì phải thực sự yêu nó. Mình có yêu nghề thì nghề mới cho mình nhiều thứ”.
Gia nhập Hòa Phát từ năm 2010, anh Thoảng đã từng kinh qua khá nhiều vị trí trong Công ty Điện lạnh. 2 năm đầu, anh là công nhân lắp ráp tại nhà máy. Sau đó, nhờ sự tin tưởng và ghi nhận năng lực của Ban giám đốc, năm 2012, anh được đề bạt lên làm tổ phó. Rất nhanh, 3 năm sau anh giữ chức tổ trưởng tổ tiền lắp ráp dây chuyền sản xuất cho đến nay. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7/2022, anh Thoảng đã chuyển về công tác tại Công ty Điện máy Gia dụng tại Hà Nam.
Làm nghề này vui lắm!
Có 7 năm đảm nhận vị trí tổ trưởng, anh Thoảng chia sẻ: “Làm nghề này cũng vui lắm, động não suy nghĩ nhiều vô kể. Tuy nhiên, công việc gì cũng có thuận lợi và khó khăn. Tôi đã quen với nếp sống và văn hóa của Hòa Phát nên làm việc gì khi vào guồng cũng trơn tru, đạt yêu cầu. Coi Hòa Phát là gia đình thứ hai nên gần gũi và mến thương”.
“Chỉ khó ở khâu quản lý, giám sát vì luôn phải thay đổi và điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với anh em lắp ráp trong tổ để đạt hiệu suất tốt nhất”, anh Thoảng nói thêm.
Công việc hiện tại của anh Thoảng là quản lý sản xuất của tổ, sắp xếp và đôn đốc anh em CBNV trong tổ làm việc theo kế hoạch của nhà máy đề ra. Phụ trách công việc này anh cũng rất tự tin để hoàn thành bởi các công đoạn lắp ráp hay vận hành máy móc, kinh nghiệm sản xuất anh đều nắm vững nguyên lí áp dụng.
Anh Nguyễn Văn Thoảng (36 tuổi, Hưng Yên) hiện đang là tổ trưởng tổ tiền lắp ráp quản lý dây chuyền sản xuất tại Công ty Điện máy Gia dụng Hòa Phát tại Hà Nam
Theo anh, vai trò điều tiết công việc của người tổ trưởng rất quan trọng. Họ phải quan sát và sắp xếp nhân sự làm việc ở các vị trí trên dây chuyền sao cho thuận tiện, khoa học.
Hai yếu tố quan trọng nhất để quyết định sản phẩm chất lượng là con người và trật tự sản xuất. Để sản phẩm tốt được phát huy, tôi luôn yêu cầu tất cả các công nhân làm việc tại mỗi tổ sẽ là một KCS kiểm tra chất lượng để đảm bảo chất lượng.
Anh cũng đánh giá, tất cả các cán bộ công nhân viên trong tổ lắp ráp đều là những người có năng lực tiếp thu nhanh trong công việc, cần cù, siêng năng và có tinh thần sáng tạo.
Trăm hay không bằng tay quen
Nói về nghề lắp ráp, anh Thoảng cho biết, mối liên hệ giữa các tổ sản xuất với nhau cũng là chìa khóa quyết định hiệu quả. Để đưa ra thị trường một sản phẩm hoàn hảo nhất, các tổ trưởng bộ phận phải luôn trao đổi thông tin về các sản phẩm và đánh giá ngoại quan như kiểm tra vỏ cơ khí có bị lỗi sơn, các chi tiết lắp ghép có khớp với nhau không; phần nhựa lòng trong có bị mỏng....Nếu phát hiện lỗi thì cần khắc phục ngay từ khâu lắp ráp.
Cụ thể, dây chuyền lắp ráp tủ lạnh bao gồm 3 công đoạn lớn. Đầu tiên là công đoạn chuẩn bị lòng trong như dán dây nóng, lắp ghép khung cố định, lắp ghép đường gió, công tắc, lắp giàn lạnh với lòng trong.
Tiếp đó đến công đoạn chuẩn bị vỏ tủ. “Chúng tôi sẽ dán dàn nóng vào sườn tủ lạnh và ốp vào phía sau tủ. Chuẩn bị tấm đáy của tủ để lắp ghép thân tủ với lòng trong”, anh Thoảng phân tích.
Cuối cùng là công đoạn hoàn thiện sản phẩm cuối. Khi đó, đội ngũ nhân viên tại tổ lắp ráp sẽ nhét mút chống phôi PU (nhựa Polyurethane) tại các vị trí. Sau đó, lắp ghép tấm đỉnh tủ lạnh, bắn vít và hoàn thiện.
Anh đúc kết lại: “Mô tả thì có vẻ hơi khó hiểu, tuy nhiên khi vận hành anh em chúng tôi làm rất nhanh và khá đơn giản, năng suất làm việc cũng đạt hiệu quả tốt. Thế mới thấy, lắp ráp thiết bị điện máy gia dụng không khó đâu, nghề nào cũng dễ bởi “trăm hay không bằng tay quen”.