Tác giả: Nguyễn Huy- HPHD
Thứ năm, 27-04-2023 | 4:14pm
Những người thợ gắn liền với “động cơ”
Tại Hòa Phát Hải Dương có một tập thể mang tên “Tổ Sửa chữa điện”. Trực thuộc Nhà máy Cơ điện, đây là đơn vị luôn đáp ứng được tính liên tục cho sản xuất, khắc phục, sửa chữa thiết bị chung, sửa chữa động cơ tại chỗ, giảm được thời gian chờ, đình trệ sản xuất cho các bộ phận, nhà máy trong Khu liên hợp.
Anh Toán (bên trái) đang chỉ dẫn cho các anh em tổ viên
Gặp anh Trương Văn Toán, Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện khi anh và đồng nghiệp đang luôn tay vào dây quấn cho động cơ. Chốc chốc anh lại nhận được điện thoại của cấp trên, yêu cầu xử lý công việc ở các vị trí, các bộ phận.
Anh Toán chia sẻ “Tổ mình là Tổ Sửa chữa điện nên cái gì cần sửa chữa, khắc phục là phải có mặt, từ đầu đến cuối khu liên hợp, từ cái bóng đèn chiếu sáng, đến cân bàn, cẩu trục….”
Theo anh, để một sản phẩm thép đến được tay người tiêu dùng, cần rất nhiều công đoạn của quá trình công nghệ, từ khâu chế biến nguyên liệu đáp ứng cho quá trình nấu luyện, đến khâu cuối cùng là xuất bán sản phẩm ra thị trường.
Trong tất cả các công đoạn đó, đều cần sự có mặt của thiết bị chuyển động, đó là “Động cơ”.
Hiện cả tổ có tổng cộng 19 người (gồm 13 hành chính và 6 đi ca) đảm nhiệm các công việc sửa chữa của toàn Khu liên hợp.
Nhanh nhẹn, hoạt bát, nên mặc dù công việc nhiều và không tập trung nhưng anh Toán luôn sắp xếp, phân công anh em trong tổ thực hiện công việc một cách hài hòa và hợp lý, kết hợp cùng với kế hoạch công việc hàng ngày của cấp trên giao.
Chia sẻ thêm về các công việc của tổ, anh Phạm Tiến Thành, Kỹ thuật viên Tổ Sửa chữa điện cho biết: “Mình làm các đầu việc chung trong Khu liên hợp, nhân lực trong tổ chỉ định biên có vậy, mà nhiều khi sự cố, yêu cầu từ các bộ phận nhiều, đôi khi cũng áp lực. Áp lực từ tiến độ công việc, áp lực trong bố trí nhân sự. Vì ngoài khắc phục sự cố hỏng hóc, các anh em còn công việc đặc thù là quấn thiết bị chuyển động, động cơ.
Cả khu liên hợp có đến hàng ngàn động cơ, mà cái nào cũng cần thiết, cái nào cũng quan trọng. Tùy theo cấp độ, nhưng các hạng mục đều vừa phải làm nhanh, vừa phải đảm bảo được yêu cầu về kỹ, mỹ thuật, cho các đơn vị sử dụng.
Yêu cầu tiến độ là thế, áp lực là thế, nhưng đã chọn là yêu nghề, gắn bó với nghề. Hơn nữa, trong môi trường Hòa Phát, phân xưởng, nhà máy là nhà, đồng nghiệp là anh em, nên mọi người đều hiểu, cảm thông và chia sẻ cùng nhau trên tinh thần, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi công việc được giao”.
Công việc hàng ngày của team sửa chữa điện, Nhà máy Cơ điện
Ở tổ sửa chữa, các anh có kinh nghiệm sẽ vừa làm, vừa hướng dẫn, chỉ bảo cho các thành viên khác. Vừa làm vừa chỉ dẫn cho anh em tổ viên, anh Toán nói: “Với các động cơ khó trước hết mình phải làm mẫu, phải làm gương để anh em luôn tỉ mỉ, chính xác trong từng bước vào các bối dây, để khi mang về bộ phận sử dụng, thiết bị đó hoạt động hiệu quả và bền bỉ nhất”.
Tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc, tinh thần làm việc đó đã giúp các anh trong tổ Sửa chữa điện hoàn thành nhiệm vụ để các động cơ luôn được vận hành liên tục, góp phần mang các sản phẩm thép của Hòa Phát Hải Dương đi xa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.