Tác giả: HPG News

Thứ ba, 13-09-2022 | 11:22am

"Hòa Phát - 30 năm tôi kể" : Tôi 30

 Năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế, chuyển từ chế độ Nhà nước bao cấp 100% sang nền kinh tế mở. Tôi nghe bố tôi kể về hoàn cảnh đất nước lúc tôi được sinh ra như thế. Đến nay sau 30 năm, tôi cũng được gọi là thành công hơn so với bạn bè cùng lứa, dễ mến, ít nói nhưng có máu liều và hơi…lì, cứ lù lù như xe lu. Hehe.

Vừa ăn cơm trưa xong, bố rủ tôi đi café cùng nhóm bạn mấy chục năm của ông tại một quán gốc tre gần một khách sạn lớn ở Hà Nội, bố tôi kể tiếp: “Lúc đấy, bố với các bác các chú đây cũng có công ăn việc làm ổn định trong nhà nước đấy. Nhưng bên ngoài họ đang sục sôi đi buôn, lập công ty để kinh doanh. Ông sếp bố hỏi rằng có muốn làm tiếp nhà nước nữa hay ra ngoài, bố quyết định ra làm riêng luôn, rủ một số bác và bạn bè nữa cùng làm. Lúc ấy bố còn đang thanh niên, còn chưa cưới mẹ con đâu. Mấy năm sau cơ, và 1992 thì có con”.

Bố đặt cho tôi cái tên đậm chất Việt Nam - Hòa Phát, với ý nghĩa đơn giản là muốn mình luôn hòa hợp với mọi người để cùng phát triển.

Tuổi thơ tôi lớn lên với những món đồ cũ bố tôi buôn về sửa chữa rồi bán cho các công trường xây dựng, rồi bàn ghế các thứ. Tôi không nhớ nhiều lắm vì lúc đấy nhỏ quá. Chỉ nhớ là hàng bán khá chạy. Công việc của bố tôi và những người bạn chơi với nhau từ lúc học phổ thông đến bây giờ cứ thế nảy nở ra. Bố bảo, lúc con ra đời cũng không nghĩ gì cao xa, chỉ mong sao con lớn khôn, khỏe mạnh bằng bạn bằng bè sau này đỡ khổ.

Chắc tôi có chút gen di chuyền từ bố ở cái tính liều và không biết sợ, cứ thích là làm thôi. 9-10 tuổi gì đấy tôi đã được theo bố, các bạn của bố ra nước ngoài khá nhiều lần. Tôi cẩn thận giống bố, để quyết định làm gì tôi sẽ phải đến tận nơi, tìm hiểu thật kỹ, chưa hiểu nguyên lí, cách vận hành sẽ không làm. Không làm thì thôi, làm sẽ làm đến cùng, không kể ngày đêm. Không biết đây là tính cách tốt hay không nhưng trộm vía đến lúc này mà nói, tôi tự cảm thấy mình được nhiều hơn mất.

Từ lúc bập vào kinh doanh đến giờ, không ít lần bạn học góp ý về những bước đi có phần liều lĩnh của mình. Đơn cử như đận dồn tiền làm thép xây dựng đầu những năm 2000. Tôi nhớ như in có người bạn đã can là làm cái đó tốn kém lắm, thiên hạ làm đầy rồi còn lao vào làm gì, không ổn đâu. Khổ, cha mẹ sinh con trời sinh tính, tính mình đã thích rồi thì không ai cản được. Máu đam mê sản xuất đã thấm truyền từ bố tôi sang tôi lúc nào không hay. Chắc số mình nó khổ vậy.

Lúc mới đầu làm thép, bố tôi dành dụm được bao nhiêu vốn liếng gom góp hết cho tôi. Thấy ông tin tưởng vào quyết tâm của mình như thế, tôi càng nung nấu làm bằng được chứ không uổng công bố mẹ. Ngày ấy kiếm tiền đã khó, có tiền rồi cũng không dễ để thuyết phục mấy bác nhà nước cấp phép cho nhập máy móc về làm. Dạo đó, tôi nhớ hồi đi xin cái hạn ngạch nhập khẩu khó hơn lên trời vì chưa có tiếng tăm gì, chưa có tài sản gì lớn. Bố tôi bảo đi thuê một công ty thương mại có tiếng lúc bấy giờ để nhập máy về. Chỉ có lách bằng cách đấy thôi, mà làm được thật!

Tuy nhiên khó khăn về thủ tục cũng chỉ như muỗi đốt cột điện so với hàng tỷ thứ phát sinh khác. Tôi đã cưỡi lên lưng hổ rồi thì phải tìm cách mà vượt qua thôi. Kể ra thì tỷ năm không hết chuyện, từ tuyển người, đào tạo nhân sự, vận hành sản xuất, bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối, … không thiếu thứ gì trên đời.

Các cụ dạy: Chọn bạn mà chơi. Tôi càng nghĩ càng thấm câu này. Bởi vì những người tôi tin tưởng làm bạn, làm chiến hữu khá cùng chí hướng và trung thành. Tôi cảm thấy may mắn vì rất nhiều anh em bạn bè, các nhà phân phối gắn bó, đi với mình từ những ngày là lính mới cho đến giờ. Không có họ chung tay thì làm sao hàng tôi làm ra đến được với người dùng cả nước và khắp 5 châu 4 bể. Đi đến đâu cũng nghe câu “Không Hòa chỉ Phát”, hay “thị phần số 1 Việt Nam”. Chính là họ nhắc đến tôi đó!

Thấm thoắt tôi đã 30 năm lăn lội thương trường, bố tôi cũng đến tuổi lục tuần rồi. Nhẽ ra theo Nhà nước là ông được nghỉ ngơi, nhưng khổ nỗi thương con, máu làm ăn còn hăng lắm. Bố tôi là thế. Rất nghiêm khắc nhưng cũng thừa tâm lí, luôn dõi theo, chỉ bảo tôi từng đường đi nước bước. Trong rất nhiều chiến lược kinh doanh mà tôi được bố chia sẻ, tôi khoái nhất ý tưởng: Làm gì cũng phải lớn, nghĩ lớn. Cứ làm tốt rồi sẽ có khách hàng, có thị trường, thị phần thôi, thiên hạ có ra sao thì mình cũng là người chết sau cùng.

Đồng hồ điểm 14h chiều, buổi café “chém gió” của bố tôi cùng nhóm bạn chơi với nhau còn lâu hơn tuổi đời của tôi kết thúc, ai về làm việc của người ấy. Nói là chém gió nhưng tôi thấy mình luôn là chủ đề được bố và các bác các chú đưa ra nói nhiều nhất. Sôi nổi lắm, tôi ngồi nghe cùng lắm lúc ong cả đầu nhưng nghe mãi thành quen. Dẫu sao họ cũng chỉ muốn “cu con” là tôi luôn khỏe mạnh, cường tráng, có đi đâu cũng không bị bắt nạt.

Đấy, tôi 30 rồi, trưởng thành rồi mà vẫn bị bố xem còn non nớt lắm. Bố bảo tôi phải luôn nhìn về phía trước, không bao giờ được dừng lại. Đương nhiên là thế rồi. Giờ đang độ chín, độ sung nhất, chả nhẽ bao cơ hội đang chờ, bao em gái xinh tươi cần chinh phục mà dừng thì còn gì là nam nhi đại trượng phu. Chiến tiếp thôi!

 N.T

 

Tin mới nhất

Hòa Phát ra mắt loạt sản phẩm điện máy gia dụng mới, ưu đãi đặc quyền cho nội bộ

Thương mại Hòa Phát tròn 20 năm phát triển: Khẳng định vị thế doanh nghiệp chăn nuôi bò Úc hàng đầu

Hòa Phát trao tặng hàng chục nghìn suất quà Trung thu cho CBNV

Tin liên quan